Ngày 15/01/2016, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu Dự thảo TCVN …: 2015 “Mặt dựng kính – Độ kín nước – Phân loại yêu cầu kỹ thuật & phương pháp thử” (mã số TC 79-13), và “Mặt dựng kính – Độ lọt khí – Phân loại yêu cầu kỹ thuật & phương pháp thử” (mã số TC 80-13) – hai Dự thảo đều do Trung tâm Tư vấn kỹ thuật thương mại (Hiệp hội Kính & thủy tinh Việt Nam)chủ trì biên soạn. TS. Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.
TS. Lê Trung Thành chủ trì cuộc họp nghiệm thu
Thuyết minh về việc xây dựng các tiêu chuẩn, thay mặt nhóm biên soạn, TS. Kiều Lê Hải cho biết: Trong vòng hai thập kỷ gần đây, việc sử dụng mặt dựng kính làm kết cấu bao che trong các dự án công trình / tòa nhà cao tầng đã trở nên phổ biến tại Việt Nam. Trong các quy định mặt dựng kính tiêu chuẩn của thế giới, độ kín nước và độ lọt khí là hai đặc tính kỹ thuật rất quan trọng. Việc lọt nước qua mặt dựng vào bên trong công trình sẽ dẫn đến ngưng tụ nước ở bên trong khi điều kiện thời tiết xấu (độ ẩm cao). Lọt nước và ngưng tụ còn làm suy giảm chất lượng kết cấu mặt dựng, qua một thời gian sẽ gây nấm mốc, ảnh hưởng tới bầu không khí bên trong. Còn sự lọt khí sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống điều hòa không khí và hệ thống sưởi ấm trong tòa nhà / công trình. Trong điều kiện thời tiết xấu, sự lọt khí có thể là nguyên nhân đọng sương trong kết cấu; về lâu dài sẽ phá hỏng vật liệu, cấu kiện xây dựng.
Theo TS. Hải, việc thử nghiệm các chỉ tiêu liên quan đến độ kín nước và độ lọt khí được chủ đầu tư và tư vấn rất quan tâm. Tuy nhiên, hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến kết cấu kính hoặc sử dụng kính trong các công trình xây dựng tới nay vẫn chưa có quy định nào về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử cho các tính năng nêu trên. Do đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn là cần thiết.
Qua nghiên cứu, so sánh với điều kiện áp dụng tại Việt Nam, nhóm biên soạn đã lựa chọn các tiêu chuẩn BS EN 12154:2002 và BS EN 12155:2000 làm cơ sở chính để biên soạn dự thảo tiêu chuẩn về độ kín nước; và BS EN 12152:2002, BS EN 12153:2000 để biên soạn dự thảo tiêu chuẩn về độ lọt khí. Về cơ bản, nhóm biên soạn tổng hợp và chuyển dịch phần nội dung chính các tiêu chuẩn trên, kết hợp chỉnh sửa một số tài liệu tham chiếu cho phù hợp tình hình thực tế và dễ áp dụng.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính cấp thiết của các tiêu chuẩn. Hội đồng cũng cho nhiều ý kiến về cách chuyển ngữ và Việt hóa một số thuật ngữ, về bố cục, trình bày của các Dự thảo.
Kết luận cuộc họp, TS. Lê Trung Thành hoàn toàn nhất trí với Hội đồng, nghiệm thu các Dự thảo tiêu chuẩn với kết quả xếp loại khá. TS. Thành cũng lưu ý nhóm biên soạn nhanh chóng hoàn chỉnh các Dự thảo có tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, để các tiêu chuẩn sớm được Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về mặt dựng kính trong các công trình xây dựng hiện đại của nước ta.
Lệ Minh