Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng, Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các Bộ, ngành; lãnh đạo các Hội, Hiệp hội chuyên ngành Xây dựng.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trình bày tại Hội nghị, ngành Xây dựng bước vào thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi cũng như những thách thức: kinh tế trong nước tiếp tục hồi phục với mức tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đảm bảo các cân đối lớn, khó khăn của doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ; tình hình thế giới diễn biến phức tạp, với những căng thẳng, bất đồng về địa chính trị, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế trong nước tăng trưởng chưa vững chắc, ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, nguồn thu giảm, không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chi cho đầu tư phát triển; chất lượng; hiệu quả, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của một số đơn vị trong Ngành còn hạn chế, quá trình tái cơ cấu chậm…
Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch, phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực của Ngành. Trong đó, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trọng tâm là nhà ở xã hội; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Xây dựng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng báo cáo tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động và cộng đồng doanh nghiệp toàn Ngành; sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ có hiệu của của các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả quan trọng trên các mặt công tác, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước.
Năm 2015, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của ngành Xây dựng duy trì được mức tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng đạt 172.000 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 10,82% so với năm 2014 - mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Giá trị sản xuất ngành Xây dựng năm 2015 theo giá hiện hành đạt khoảng 974.000 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2014; Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35,7%, tăng 1,2% so với năm 2014; Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 98,2%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 81,5%; Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn khoảng 25%; Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/ người (tăng 1,1 m2 so với 2014); Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 72,7 triệu tấn, đạt 101,3% kế hoạch năm.
Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng, năm 2015 Bộ Xây dựng đã tập trung soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thu hành các Luật mới được Quốc hội thông qua năm 2014 (Luật Xây dựng, Luật Nhà ở), Luật Kinh doanh Bất động sản); sửa đổi, bổ sung các Nghị định về nâng loại đô thị, quản lý vật liệu xây dựng. Trong năm 2015, Chính phủ ban hành 05 Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, 05 Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; Bộ ban hành 12 Thông tư hướng dẫn các Luật này.
Đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống thể chế, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, trọng tâm là quản lý chất lượng công trình và quản lý chi phí xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và các Nghị định hướng. Thông qua việc thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã góp phần tích cực phòng chống thất thoát, lãng phí, khắc phục các sai sót thiết kế và các khiếm khuyết về chất lượng trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm tra, thẩm định vào khoảng 9,2% trong năm 2013, khoảng 5,39% trong năm 2014, khoảng 5,02% trong năm 2015; tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế vào khoảng 25% trong năm 2014, khoảng 43,8% trong năm 2014, khoảng 26,4% trong năm 2015, góp phần phòng ngừa được nhiều rủi ro về chất lượng công trình.
Công tác lập quy hoạch xây dựng cũng được Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng; chủ trì, phối hợp với các địa phương, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trên phạm vi cả nước. Đến nay, công tác quy hoạch ngày càng được các địa phương quan tâm, các đồ án quy hoạch đã thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn dài hạn, tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng lên đáng kể, chất lượng đồ án được cải thiện. Năm 2015, Bộ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 11 đồ án quy hoạch xây dựng, 02 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP đã chuyển biến tích cực. Các địa phương đã và đang lập chương trình phát triển đô thị, lập và phê duyệt khu vực phát triển đô thị, tổ chức mô hình Ban Quản lý dự án phát triển đô thị. Các chương trình, đề án cấp quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật được tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 787 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V. Các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị đều có chuyển biến tích cực.
Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở của địa phương; tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp hàng trăm ngàn hộ gia đình chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, Chương trình tôn nền vượt lũ đồng băng sông Cửu Long giai đoạn 2, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lũ khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn (Chương trình 167). Trong năm 2015, đã hoàn thành đầu tư 33 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 13 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, cả nước hoàn thành thêm khoảng 1,0 triệu m2 nhà ở xã hội, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 2,8 triệu m2.
Trong lĩnh vực phát triển nhà ở, ngành Xây dựng tiếp tục tập trung phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở, như người có công với cách mạng; các hộ nghèo khu vực nông thôn; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; nhà ở cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Đặc biệt cần chăm lo nhà ở cho lực lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang vì đây là lực lượng nòng cốt để bảo vệ chủ quyền quốc gia và giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”.
Năm 2015, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý thực hiện các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu; chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tổ chức lập và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng. Năm 2015 đã có thêm 02 dự án xi măng đi vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền sản xuất xi măng lên 76 với tổng công suất thiết kế là 81,5 triệu tấn, công suất huy động khoảng 76-77 triệu tấn/năm. Chương trình phát triển vật liệu xây không nung được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bảo vệ mội trường. Các loại vật liệu xây dựng chủ yếu cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần được xuất khẩu.
Về những nhiệm vụ trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, toàn ngành Xây dựng sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra: tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 36,8%; tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 81,5-82%, thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn 24%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 85,5-86%; Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 74-75 triệu tấn; Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành theo giá hiện hành tăng khoảng 10% so với năm 2015.
Để đạt được những chỉ tiêu đó, Bộ Xây dựng đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngành Xây dựng, tập trung hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh danh bất động sản, nghiên cứu xây dựng đề cương, dự thảo Luật về quản lý phát triển đô thị; Tập trung tổ chức thực hiện đưa Luật Xây dựng, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn vào cuộc sống - tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán, rả soát sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; quản lý, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị; triển khai Luật nhà ở và các chương trình nhà ở; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính; kiện toàn nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan chuyên môn về xây dựng các cấp; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng; nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tích cực phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Xây dựng.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 của ngành Xây dựng, tại các điểm cầu truyền hình, đại diện lãnh đạo UBND, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khái quát tình hình phát triển kinh tế xã hội, hoạt động xây dựng cơ bản và công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng trên địa bàn, đóng góp ý kiến cho báo cáo của Bộ Xây dựng, đồng thời nêu lên các kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương để nghiên cứu giải quyết.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả nổi bật của ngành Xây dựng trong năm 2015 cũng là những kết quả thể hiện cho cả nhiệm kỳ 2011-2015 của ngành. Đó là hệ thống văn bản pháp lý về xây dựng, quản lý xây dựng, quy hoạch ngày càng được hoàn thiện và củng cố; tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng năm nay tăng 11,2%, cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao giải pháp cấu trúc lại thị trường bất động sản và cho rằng “đây là ấn tượng lớn” về thành quả của ngành nhằm hướng tới nhu cầu về nhà ở của số đông người dân. Cụ thể, chính sách về nhà ở khu vực nông thôn, vùng ngập lũ đã đạt được các con số ấn tượng. “Chính sách nhà ở khu vực nông thôn lúc bắt đầu chỉ xác định dưới 500.000 đối tượng, nhưng kết thúc giai đoạn 1 thì 530.000 hộ đã có nhà ở, vượt kế hoạch”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cho rằng năm 2016 có ý nghĩa hết sức quan trọng khi là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế chủ yếu đến từ những biến động của kinh tế thế giới. Do đó, công tác điều hành phải “chủ động, biết lường trước tình hình” để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị ngành Xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý Nhà nước về xây dựng. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng cần đóng vai trò quan trọng trong xây dựng dự án Luật Quy hoạch. Ngành Xây dựng cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và coi đây là việc hệ trọng; Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, thậm chí 50 năm, 100 năm, tiếp tục rà soát các quy hoạch hiện có để nâng cao chất lượng, trong đó bảo đảm thực hiện hiệu quả quy hoạch chi tiết.
Đi liền với đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị ngành Xây dựng bảo đảm quản lý hoạt động xây dựng đúng quy hoạch, đúng pháp luật, đúng các quy định về phân cấp quản lý xây dựng đi liền với thanh tra, xử lý các vi phạm về quy hoạch phải nghiêm minh.
Đối với nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng “Chúng ta đã xây dựng được nhà ở xã hội rồi nhưng làm thế nào phải để người dân mua được nhà thì còn là chuyện khó khăn”. Các nước trên thế giới đều có chính sách phát triển nhà ở xã hội nên Bộ Xây dựng cần đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành khác kiến nghị với Đảng, Nhà nước các chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện cho người dân có khả năng mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội an cư lạc nghiệp”.
Trong hoạt động tái cơ cấu ngành xây dựng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa xi măng Hạ Long, xi măng Sông Thao, tiếp tục xử lý các tồn tại về tài chính đối với các công ty như xi măng Đồng Bành... và tiếp tục thoái vốn ngoài ngành ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần quan tâm đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ tin tưởng, với truyền thống đoàn kết gắn bó, với tinh thần sáng tạo vượt qua khó khăn, ngành Xây dựng sẽ hoàn thành xuất sắc những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2016, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn./.
Minh Tuấn – Trần Hà