Hội thảo quốc tế : Tận thu thạch cao nhân tạo từ các nhà máy nhiệt điện và hóa chất để sản xuất VLXD và bảo vệ môi trường

Thứ tư, 12/10/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 11/10/2011 tại Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Tận thu thạch cao nhân tạo từ các nhà máy nhiệt điện và hoá chất để sản xuất VLXD và bảo vệ môi trường". Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam; đại diện các Cục, Vụ, Viện chức năng của Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí; lãnh đạo các công ty sản xuất xi măng; lãnh đạo các nhà máy sản xuất thạch cao và bê tông khí chưng áp; đại diện các Hiệp hội trong nước, đại diện các Tập đoàn và tổ chức Quốc tế có uy tín như Lafarge Boral Gypsum, St- Global Gypsum, Holcim Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nêu rõ: Bên cạnh những thành tựu phát triển kinh tế đạt được, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng như nhiều nước phát triển trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề nóng bỏng có tính toàn cầu – đó là năng lượng. Biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng kéo theo mực nước biển dâng cao...tất cả những hệ quả đó đều có nguồn gốc sâu xa từ nhận thức về nguồn tài nguyên có hạn, ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường của mỗi quốc gia, mỗi con người. Trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, điện là một trong những ngành phát triển nhanh nhất. Tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã gần cạn. Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao, Đảng và Nhà nước đã chủ trương xây dựng các nhà máy nhiệt điện, với than là nguồn nhiên liệu chính. Lượng tro xỉ phát thải hàng năm hàng chục triệu tấn từ các nhà máy nhiệt điện là một con số không nhỏ, cùng với nó là quỹ đất làm bãi chứa, quỹ thời gian để phân hủy; đồng thời nguồn chất thải thứ 2 – khí CO2 và các khí độc chứa SO2 – cũng là một vấn đề mà xã hội phải quan tâm. Do đó, mục tiêu của Hội thảo lần này – theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam - không phải là tạo ra nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất VLXD, mà chính là thông qua Hội thảo, các Bộ, Ngành liên quan cùng với sự tư vấn, góp ý của các chuyên gia sẽ tìm được tiếng nói chung trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng bày tỏ mong muốn : trên quan điểm mới coi chất thải công nghiệp là một nguồn tài nguyên, Hội thảo sẽ là cơ hội để các tổ chức, cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý nhà nước trao đổi cùng tìm ra những giải pháp có hiệu quả kinh tế cao để giải quyết vấn đề chất thải công nghiệp; đồng thời đề xuất những kiến nghị đúng đắn tới Thủ tướng Chính phủ về các chính sách, cơ chế hợp lý trong vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận của đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế, với nội dung tham luận tập trung vào vấn đề tận thu chất thải của các nhà máy nhiệt điện và nhà máy hoá chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD xanh và bảo vệ môi trường.

Hội thảo cũng là dịp để các doanh nghiệp, các nhà quản lý, nhà đầu tư Việt Nam học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quý giá của quốc tế về nhiều khía cạnh: hệ thống khử lưu hùynh FGD theo công nghệ của KC Cottell (Hàn Quốc); yêu cầu kỹ thuật đối với thạch cao tận thu từ khí thải nhà máy nhiệt điện trong sản xuất xi măng – kinh nghiệm của Tập đoàn Holcim (Thụy Sĩ) ; các đặc tính của thạch cao và quy trình sản xuất thạch cao của St-Global Gypsum (Pháp)...

 Lệ Minh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)