Mê Linh: Hỗ trợ nông dân thoát nghèo trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 01/10/2015 13:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tính đến tháng 9/2015, tình hình xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân của huyện Mê Linh đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Ảnh minh họa

Hoàn thành nhiều tiêu chí

Cụ thể, huyện có 16/16 xã được qui hoạch xây dựng nông thôn mới. Khi bắt tay vào xây dựng, hạ tầng nông thôn của huyện được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ nên đã đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt đi lại và sản xuất của nhân dân.

Trong đó, tiêu chí về giao thông sau 4 năm thực hiện đã tăng lên 65%. Đồng thời kiên cố hóa được 25,9km đường giao thông ngõ, xóm; tập trung nâng cấp, cải tạo, xây mới được 2 nhà văn hóa, khu thể thao xã (xã Liên Mạc và xã Tiền Phong); 27 nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn; đã hỗ trợ xây dựng 450 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách người có công; xây dựng, sửa chữa nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng. Trong năm 2015, huyện đang triển khai đề án "Xây dựng quỹ nhà ở xã hội cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đến năm 2015". Dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng 42 nhà ở xã hội cho 42 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Mê Linh hiện có tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 33/74 trường, đạt 44,6%.

Hiện Mê Linh đã có 16/16 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo Quyết định của Bộ Y tế, trong đó có 12/16 xã đạt tiêu chí về y tế theo quyết định 3447/QĐ-BYT (bộ tiêu chí mới), còn 4 xã đạt theo tiêu chuẩn cũ là: Tráng Việt, Thanh Lâm, Tự Lập, Chu Phan. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế: 72%

Trên toàn huyện có 94 HTX trong đó có 74 HTX DVNN còn lại là các loại hình HTX khác. Nhìn chung các HTX trên địa bàn huyện đã hoạt động theo luật HTX; các dịch vụ phục vụ nhân dân chưa được mở rộng phong phú (trung bình từ 3 – 5 dịch vụ) nhưng vẫn đảm bảo tốt nhu cầu cơ bản về nông nghiệp cho nhân dân. Đến nay có 14/16 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.

Về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những tồn tại vướng mắc phát sinh, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo giữ vững, đặc biệt trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp.

Tính đến hết tháng 9 năm 2015, trong 5 xã kế hoạch đạt chuẩn NTM có 17-18 tiêu chí đạt và cơ bản đạt chuẩn. Dự kiến phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có thêm 5 xã này hoàn thành đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng tổng số toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn (đạt 62,5%).

Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Sau khi triển khai Chương trình, do được quan tâm đầu tư nhiều về kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch bờ vùng bờ thửa, tổ chức dồn ghép ruộng đất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, các mô hình sản xuất có năng suất cao và chất lượng tốt như lúa, khoai tây, rau, hoa hồng và các mô hình chăn nuôi, kết hợp đào tạo nghề cho nông dân, kỹ thuật thâm canh sản xuất lên đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đến cuối năm 2014 đạt 26.792 triệu đồng/người/năm. Dự kiến năm 2015, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện sẽ đạt trên 29 triệu đồng/người/năm.

Tính đến tháng 9/2015, trên địa bàn huyện còn 1.062/47.749 hộ nghèo (giảm 150 hộ so với đầu năm 2015), chiếm tỷ lệ 2,22% (16/16 xã đã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo). Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95,8%. Hàng năm huyện đã giải quyết việc làm cho trên 2000 người/năm, trong 4 năm đào tạo được 6.109 lao động nông thôn. Đến nay đã có 16/16 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng trong công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế, một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung phương pháp, bước đi cách làm trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, nguồn lực thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, số kinh phí đã đầu tư chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách nhà nước, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn rất hạn chế. Trong khi đó ngân sách Nhà nước đầu tư cho xây dựng nông thôn mới theo Đề án chưa đáp ứng được. Các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới còn chưa chủ động trong công việc còn trông chờ vào sự chỉ đạo của huyện, chưa phát huy hết nội lực trong nhân dân.

Vì vậy, Phó Bí thư huyện ủy Nguyễn Xuân Trường cho rằng, trong thời gian tới, huyện Mê Linh cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Tích cực vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp bằng ngày công, đất đai, vật tư, hiện vật và bằng tiền…

Ban chỉ đạo huyện và các xã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: phát triển sản xuất, quản lý các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn, bảo vệ môi trường. Đây là các tiêu chí không cần hoặc cần rất ít đến kinh phí mà vẫn đảm bảo thực hiện được.

Về nâng cao đời sống nông dân, huyện cần thực hiện các ưu đãi đối với người nghèo (đào tạo nghề và tạo việc làm, thực hiện chương trình khuyến nông, hỗ trợ vay vốn…).

Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nếp sống văn minh đô thị. Phát huy vai trò của việc thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, xóm.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)