Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1:500)

Thứ năm, 02/10/2014 16:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 2/10/2014, tại Bộ Xây dựng, Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội tỷ lệ 1:500 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn và đồng chủ trì -Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đặng Thị Bích Liên. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội; đại diện UBND quận Ba Đình; đại diện Cục Di sản, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ủy ban UNESCO Việt Nam, cùng đông đủthành viên Hội đồng đến từ các Bộ ngành TW, Hội nghề nghiệp và một số Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn phát biểu trong Hội nghị

Theo đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia - VIUP), khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời là Di sản văn hóa thế giới với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo. Trải qua những thăng trầm lịch sử trong các thời kỳ khác nhau Lý -Trần – Lê - Nguyễn - thời kỳ Pháp thuộc cho tới nay, khu di tích đã trở thành một điểm nhấn lịch sử trong cảnh quan chung của Thủ đô Hà Nội. Xung quanh Khu di tích tập trung các cơ quan chủ chốt của Đảng và Chính phủ; các khu vực cảnh quan đẹp khác như phố cổ, sông Hồng, hồ Tây, vườn Bách Thảo…nên có thể nói đây là khu vực quan trọng của Thủ đô trên mọi khía cạnh xã hội, văn hóa, chính trị và quy hoạch kiến trúc. Hiện nay, Khu di tích còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc minh chứng cho sự tồn tại của Kinh đô nước Đại Việt và Thủ đô Hà Nội; các di tích lịch sử văn hóa (Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu…); di tích cách mạng (nhà và hầm D67); công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Do đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống, bảo tồn Di sản văn hóa, khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và quảng bá hình ảnh Thủ đô tới các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới. Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/11/2012 tại Quyết định 1647/QĐ-TTg; và Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu – Hà Nội được phê duyệt ngày 8/6/2012 tại Quyết định số 696/QĐ-TTg. Đó là các căn cứ pháp lý cơ bản để VIUP tiến hành lập Đồ án.

Phạm vi nghiên cứu của Đồ án được VIUP xác định rộng trong tổng thể không gian đô thị của Hà Nội; các tác động và các mối liên kết giữa Khu trung tâm Hoàng thành và các khu lân cận (khu Hồ Gươm, Hồ Tây, khu di tích Hồ Chủ tịch tại Phủ Chủ tịch…) cũng được VIUP xem xét nghiên cứu kỹ trong Đồ án. Theo VIUP, khu vực lập quy hoạch là khu di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, gồm nhiều công trình kiến trúc xây dựng tại những giai đoạn lịch sử khác nhau, các di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ và còn chứa đựng dưới lòng đất, do đó tính chất của Đồ án sẽ có 2 nội dung – quy hoạch bảo tồn và quy hoạch chi tiết xây dựng. Trên cơ sở này, VIUP đã khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực lập quy hoạch (các hạng mục di tích - phế tích, hiện trạng cảnh quan không gian, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật…); đề xuất ý tưởng, nguyên tắc và quan điểm bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích dựa trên các khuyến nghị của UNESCO – đó là: tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, nhất là tại khu Thành cổ Hà Nội; tăng cường nghiên cứu làm rõ giá trị các di tích kiến trúc thời tiền Nguyễn trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long; thường xuyên quản lý vùng đệm và vùng chuyển tiếp, bảo đảm sự an toàn và cảnh quan cảnh quan hài hòa với di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp ở phía Bắc, phía Đông và Nam di sản. Giải pháp quy hoạch được VIUP đưa ra mang tính chất “mở” để sau này có thể tiếp tục các bước nghiên cứu lâu dài, với cả ba hoạt động khảo cổ - bảo tồn - trưng bày giới thiệu.

Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá rất cao sự công phu cũng như khối lượng công việc đồ sộ mà tư vấn đã thực hiện trong quá trình lập Đồ án. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng tích cực trao đổi với tư vấn một số vấn đề về vùng chuyển tiếp, vấn đề kinh phí để Đồ án có tính khả thi cao. PGS. Nguyễn Quốc Thông (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) kiến nghị VIUP làm rõ hơn giá trị lịch sử của Khu di tích, sự kết nối giữa khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Khu trung tâm, khu vực cây xanh. Đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) – ông Nguyễn Mạnh Thắng nhận xét: đây là một quy hoạch khó, do tính chất khu vực quy hoạch chứa đựng nhiều tầng văn hóa, hơn nữa nằm trong vùng nhạy cảm của Thủ đô Hà Nội, song đã được VIUP thực hiện tốt. Tuy nhiên, theo ông Thắng, VIUP cần nghiên cứu thêm về việc bảo vệ các di tích gốc trình trong hồ sơ UNESCO, và cần tham vấn các chuyên gia UNESCO, đảm bảo tính khách quan cho các giải pháp quy hoạch.

Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đặng Thị Bích Liên và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đều bày tỏ sự đồng tình cao với 05 nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích mà VIUP đưa ra trong Đồ án; nhất trí đây là Đồ án “mở” để có thể chỉnh sửa khi cần thiết và có điều kiện về sau này. Thứ trưởng Toàn cũng lưu ý trong Đồ án, VIUP cần xác định cụ thể những gì cần được gìn giữ bảo tồn, những gì nên phá dỡ; cần xác định tính chất chuyển tiếp (về mặt thời gian) của các di tích để có định hướng chấp nhận, bảo tồn (như một số kiến trúc thời Pháp).

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn giao tư vấn khẩn trương tiếp thu chỉnh sửa Đồ án trong vòng 01 tháng theo ý kiến đóng góp của các Bộ ngành, giao Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) hoàn chỉnh tờ trình; để Đồ án có đầy đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm nay.

Phòng TT-TL
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)