Tăng cường phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, 05/11/2012 16:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại lễ kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba trường ĐHXD Miền Tây sáng 5.11. 2012 tại TP Vĩnh Long.

Là một cơ sở đào tạo trọng điểm của ngành xây dựng ở khu vực ĐBSCL - khu vực có nhiều tiềm năng và đang có tốc độ phát triển mạnh vì vậy Bộ trưởng chỉ đạo trường ĐHXD Miền Tây trong những năm tới cần phải tập trung xây dựng chiến lược phát triển trường với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn sát với chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Quốc gia và của ngành. Muốn vậy, trường phải kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, phấn đấu đến năm 2015, 90% giảng viên của trường có trình độ sau đại học; Hoàn thiện tổ chức quản lý đào tạo; Thực hiện tốt chương trình khung về chương trình đào tạo đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó xây dựng chương trình, nội dung các ngành đào tạo của trường phù hợp với đặc điểm ngành học và phù hợp với đặc thù của khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn công tác nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất nhằm phục vụ đắc lực cho công tác giảng dạy và học tập.... Về lâu dài trường cần phát triển thêm các chuyên ngành có gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quản lý của Bộ và yêu cầu của thực tiễn phát triển như quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xây dựng. Trong các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, trường cần đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh ĐBSCL nhằm đáp ứng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản như quản lý phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương trong vùng....

Trường ĐHXD Miền Tây khai giảng khoá học đầu tiên vào tháng 11 năm 1977. Sau 35 năm xây dựng và phát triển, quy mô và các loại hình đào tạo của trường ngày càng được mở rộng. Từ chỗ chỉ đào tạo cán bộ kỹ thuật xây dựng, đến nay Trường đã có các ngành kỹ thuật xây dựng, kinh tế xây dựng, cấp thoát nước - môi trường từ bậc trung cấp đến đại học; Các nghề: Điện - nước; nề, kế toán;... đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài hệ chính quy, Trường còn mở thêm các lớp không chính qui và liên kết với các tỉnh để đào tạo cán bộ kỹ thuật xây dựng cho các tỉnh trong vùng. Đặc biệt, Trường còn mở 2 lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật bậc Trung cấp cho nước bạn Căm Phu Chia vào năm 1991. Từ năm 1989 Trường đã liên kết với Trường đại học kiến trúc TP.Hồ Chí Minh mở các lớp đại học, cung cấp đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng hệ vừa làm vừa học và các lớp đại học chính quy để cung cấp lực lượng cán bộ tại chỗ cho 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long.

35 năm qua Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đã đào tạo được 16.512 cán bộ kỹ thuật xây dựng tổng hợp và hơn 2000 công nhân xây dựng bậc 3/7. Tổ chức và thi nâng bậc cho trên 2120 công nhân xây dựng ở các tỉnh trong vùng. Liên kết với trường Đại học kiến trúc TP Hồ Chí Minh đào tạo được 300 kiến trúc sư, 1770 kỹ sư xây dựng. Hiện nay Trường đang có 67 lớp với tổng số gần 3500 học sinh, sinh viên, trên 90% học sinh, sinh viên của trường có việc làm đúng ngành nghề và đã trở thành những cán bộ kỹ thuật xây dựng của khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều học sinh, sinh viên của trường đã trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, một số học sinh là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc các công ty, cán bộ lãnh đạo quản lý ngành xây dựng của các huyện và các sở của các tỉnh, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với những đóng góp trên, Trường đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba. Trước đó trường cũng đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; hạng nhì và hạng nhất...

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)