Vừa qua, Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) phối hợp Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) công bố hợp tác nghiên cứu, phát minh công nghệ thế hệ mới của ngành xi-măng. Theo đó, công nghệ thế hệ mới của ngành xi-măng sẽ không gây phát thải khí thải và tuần hoàn khí theo chu trình tự nhiên, tận dụng nguồn chất thải đô thị và các chất thải khác làm nguồn nguyên liệu thay thế, đốt chất thải, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng... Theo tính toán, công nghệ hiện nay sản xuất mỗi tấn xi-măng sẽ thải ra môi trường khoảng 1,2 đến 1,5 tấn CO2, do đó, công nghệ mới này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản quy trình sản xuất ngành xi-măng hiện nay.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, ngành xi-măng đang tác động tiêu cực đến thiên nhiên với khoảng 7% lượng phát thải CO2 trên toàn cầu. Điều này cho thấy mức độ thách thức và nhu cầu chuyển đổi của ngành xi-măng nhằm đáp ứng các cam kết trong phát khí thải theo các thỏa thuận quốc tế. Phát thải CO2 của ngành xi-măng chủ yếu từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, than cốc, dầu mỏ và một số hóa chất khác, gây ra các tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và đời sống cộng đồng chung quanh. Ngoài phát thải trực tiếp, việc chưa tận dụng được các phế thải sinh hoạt và công nghiệp của một số ngành khác cũng tạo thêm sức ép trong quá trình phát triển kinh tế, trong khi đáng ra đây là nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành xi-măng.
Thực tế, đã có nhiều giải pháp góp phần xây dựng ngành xi-măng bền vững hơn, nhưng rất nhiều ý tưởng nghiên cứu phát triển mới chỉ đang trong giai đoạn “phôi thai”, còn đang ấp ủ với mục tiêu tối ưu hóa việc sử dụng nhiên liệu thay thế, công nghệ sản xuất clanh-ke hỗn hợp, phát triển các loại xi-măng mới hay kết hợp các ngành công nghiệp xi-măng, năng lượng và xử lý rác tại Việt Nam với nhau. Vì vậy, với kinh nghiệm của những hãng lớn như FLSmidth cùng cam kết có thể giảm phát thải CO2 khoảng 70% trên mỗi ki-lô-gam xi-măng sản xuất vào năm 2030, sẽ góp phần tạo sự cân bằng, bền vững cho ngành xi-măng, xóa mặc cảm về ngành sản xuất gây ô nhiễm. Cùng với đó, việc giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất, thay thế bằng nguyên liệu lấy từ chất thải sinh hoạt và các ngành kinh tế khác sẽ góp phần làm sạch môi trường, tiến tới mục tiêu cao nhất là không phát thải khí thải, cung ứng thêm nguồn năng lượng cho xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn, cũng như những thay đổi về tư duy quản lý, quản trị của các bên liên quan, trong đó cần đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp để vừa khuyến khích, vừa bắt buộc, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững ngành xi-măng.
Theo Nhân dân điện tử