Việc xây dựng nhà ở xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội của tỉnh Bình Dương, có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho người lao động an cư, lạc nghiệp, đây cũng là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh Bình Dương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh: Duy Trường)
UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu dự kiến đầu tư hơn 160.000 căn nhà ở xã hội.
Theo Đề án, cả giai đoạn 2021-2030, Bình Dương dự kiến đầu tư khoảng 160.352 căn nhà ở xã hội (155.289 căn chung cư và 5.036 nhà liền kề, trong đó số căn cho thuê khoảng 32.065 căn). Tổng diện tích đất khoảng 470,4 ha, diện tích sàn xây dựng ước đạt 9.253.924 m2, đáp ứng cho khoảng 552.458 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 84.756 tỷ đồng, cao hơn chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023.
Giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ bố trí khoảng 136,1 ha diện tích đất đầu tư hoàn thành khoảng 42.445 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn xây dựng đạt 2.612.721 m2, đáp ứng cho khoảng 138.326 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 23.817 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030, dự kiến sẽ bố trí khoảng 334,3 ha diện tích đất, đầu tư hoàn thành khoảng 117.880 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn xây dựng đạt 6.641.203 m2, đáp ứng cho khoảng 414.132 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 60.939 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2024 và năm 2025, Bình Dương sẽ xây dựng hơn 26.500 căn nhà ở xã hội. Đồng thời, rà soát, xác định mục tiêu thực hiện của từng địa phương năm 2024-2025. Trong đó thành phố Thủ Dầu Một: 13.477 căn, quy mô diện tích đất 54 ha; thành phố Thuận An: 6.130 căn, quy mô diện tích đất 13 ha; thành phố Dĩ An: 6.121 căn, quy mô diện tích đất 12 ha; thành phố Tân Uyên: 8.354 căn, quy mô diện tích đất 27 ha; thành phố Bến Cát: 7.462 căn, diện tích đất 33 ha; huyện Bắc Tân Uyên: 900 căn, diện tích 3 ha.
Với đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 của tỉnh được xây dựng cụ thể với bảy nhóm giải pháp, tương ứng với bảy loại đất và có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
Để thực hiện dự án được thông suốt, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Các cơ chế hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ 50% chi phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội bao gồm công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn và công trình khác (trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên trong công trình), nhưng hỗ trợ không quá 5 tỉ đồng/dự án.
Đồng thời, miễn 100% đối với mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Miễn 100% đối với mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; miễn 100% đối với mức thu phí thẩm định giấy phép môi trường...
Về hỗ trợ thủ tục hành chính, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ và cắt bỏ các thủ tục không cần thiết đối với dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, thành lập bộ phận chuyên trách hoặc bán chuyên trách quản lý về nhà ở xã hội để hỗ trợ nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các cơ chế hỗ trợ này nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Điều này còn giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai, cũng như thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030 theo chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Từ đó đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là công nhân, người có thu nhập thấp chưa có nhà ở.
UBND tỉnh Bình Dương đã công khai các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng trên địa bàn từ năm 2021 đến nay.
Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Dương có 6 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, chia làm 2 nhóm. Trong đó, nhóm thứ nhất là dự án nhà ở xã hội độc lập, gồm các dự án: Khu nhà ở xã hội HPN (phường Bình Nhâm, thành phố Thuận An) triển khai trên diện tích 1,49ha đất với 110 căn; dự án nhà ở xã hội và công viên cây xanh (phường An Phú, thành phố Thuận An) xây dựng trên khu đất 0,46ha với 262 căn; dự án khu định cư Việt Sing (phường An Phú, thành phố Thuận An) xây dựng trên khu đất 5,12ha với 664 căn nhà.
Nhóm thứ hai là các khu nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dư dự án nhà ở thương mại gồm: Khu dự án nhà ở xã hội liền kề thuộc dự án Khu dân cư Cầu Đò (phường An Điền, thành phố Bến Cát) diện tích xây dựng là 3,1ha xây được 276 căn; khu nhà ở xã hội liền kề thuộc dự án nhà ở thương mại Thuận Lợi 2 (phường Hòa Lợi, thành phố Bến Cát) xây dựng trên khu đất 3ha được 249 căn.
Đáng chú ý, trong 3 năm qua, việc xây dựng nhà ở xã hội tại Bình Dương chững lại. Số dự án hoàn thành và được nghiệm thu ít, dẫn đến số người lao động sở hữu nhà ở xã hội trong giai đoạn này ít. Tổng số căn hộ hoàn thành và được nghiệm thu cung cấp cho thị trường chỉ có 1.643 căn.
Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, những năm qua, sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp kéo theo sự tập trung cư dân đông đúc từ khắp nơi chuyển về sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng tăng. Số lượng người dân nhập cư vào Bình Dương chiếm hơn phân nửa dân số toàn tỉnh. Vì vậy, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng mua được căn nhà đối với nhiều người lao động còn khó khăn do nguồn thu nhập còn hạn chế.
Ông Võ Hoàng Ngân cho rằng, để thực hiện tốt đề án, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đưa ra các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị và công nhân tại các khu công nghiệp. Tỉnh sẽ rà soát lại để huy động tối đa nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ các doanh nghiệp, rà soát để kiến nghị điều chỉnh cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.