Hà Nội: Sớm tháo gỡ khó khăn nhằm triển khai các dự án đã được cấp chủ trương

Thứ năm, 30/09/2021 13:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Qua 4 hội nghị Hợp tác-Đầu tư và Phát triển giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, đến nay mới có 51 dự án hoành thành. Vì vậy thành phố Hà Nội xác định phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm các giải pháp khắc phục để sớm triển khai các dự án đã cấp chủ trương đầu tư, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới đảm bảo đúng quy định.

Hà Nội xác định phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm các giải pháp khắc phục để sớm triển khai các dự án đã cấp chủ trương đầu tư. Ảnh minh hoạ

Mới hoàn thành 51/206 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã tổ chức 4 Hội nghị Hà Nội - Hợp tác Đầu tư và Phát triển. Tại 4 hội nghị này, Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, số vốn 548.881,2 tỷ đồng; trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 44 dự án, số vốn trên 274.521 tỷ đồng.

Cụ thể, tại hội nghị năm 2016 đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án, số vốn trên 16.889 tỷ đồng; trao GCNĐKĐT cho cho 7 dự án, số vốn trên 15.100 tỷ đồng.  Hội nghị năm 2017 đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 41 dự án, số vốn trên 75.670 tỷ đồng; trao GCNĐKĐT cho 04 dự án, số vốn trên 3.800 tỷ đồng. Hội nghị năm 2018 đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 55 dự án, số vốn trên 249.500 tỷ đồng; trao GCNĐKĐT cho cho 11 dự án, số vốn trên 129.500 tỷ đồng. Hội nghị năm 2020 đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 96 dự án, số vốn 214.130 tỷ đồng; trao GCNĐKĐT cho cho 22 dự án, số vốn 126.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo UBND TP. Hà Nội, đến nay có 51 dự án hoàn thành hoặc dự án đang hoạt động của dự án dịch vụ, 4 dự án đã chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi dự án; 81 dự án đang triển khai xây dựng; 110 dự án đang làm thủ tục để giao đất, cho thuê đất; 12 dự án tạm dừng, khó khăn, vướng mắc; 01 dự án chuyển đổi hình thức đầu tư so với quyết định chủ trương đầu tư/GCNĐKĐT.

Theo UBND TP. Hà Nội, còn nhiều dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay thành lập cụm công nghiệp triển khai còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Giảm bớt TTHC, hướng dẫn thủ tục đầu tư, nâng chất lượng thẩm định dự án

Nguyên nhân của nhiều dự án còn chậm được UBND TP. Hà Nội cho biết là hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ. Đến năm 2021, Luật Đầu tư 2020 và các nội dung chỉnh sửa, bổ sung các luật, quy định liên quan mới có hiệu lực. Hiện nay, đang tiếp tục rà soát, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Việc thực hiện rà soát toàn bộ các nội dung của các dự án và các nhà đầu tư đã được chấp thuận được thực hiện từ năm 2019.

Bên cạnh đó là do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020. Sau khi được quyết định chủ trương đầu tư, các dự án phải triển khai nhiều thủ tục về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, đất đai; quy trình thực hiện thủ tục còn phức tạp, kéo dài.

Nguyên nhân chủ quan là công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương còn hạn chế; tính chủ động trong việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện các thủ tục còn thấp; công tác giám sát đầu tư, giám sát chuyên ngành chưa được thực hiện thường xuyên, tập trung. Chưa xây dựng được công cụ công nghệ thông tin đủ mạnh trong việc quản lý dự án và kết nối giữa nhà đầu tư, cơ quan nhà nước chuyên ngành và địa phương.

Việc thẩm định các điều kiện triển khai khi thực hiện thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư để trao tại Hội nghị xúc tiến đầu tư hằng năm của Thành phố trong một số trường hợp để đáp ứng yêu cầu về thời gian nên một số nội dung cho hoàn thiện thủ tục ở bước sau, dẫn đến việc khi triển khai các bước tiếp theo phải thẩm định bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục trên thực tế.

Bên cạnh đó, năng lực triển khai của một số nhà đầu tư còn hạn chế; nhiều nhà đầu tư chưa chấp hành báo cáo giám sát đánh giá đầu tư; trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật trong triển khai dự án còn chưa được chú trọng; nhiều nhà đầu tư còn có vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, nghĩa vụ tài chính... ở các dự án khác được giao phải xử lý dứt điểm mới thực hiện được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Chính vì vậy, UBND TP. Hà Nội đã xác định giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể là tăng cường công tác hướng dẫn các thủ tục về đầu tư, quản lý đất đai; nâng cao chất lượng thẩm định dự án của các cơ quan chuyên môn của Thành phố. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan để đảm bảo rõ ràng, đồng bộ, thống nhất; giảm bớt và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Hoàn thiện ban hành quy định về quản lý các dự án ngoài ngân sách và quy chế giám sát, đánh giá đầu tư.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát kết quả thực hiện, tình hình triển khai dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại các Hội nghị; đôn đốc thực hiện và tháo gỡ, đề xuất kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp GĐKCNĐT. Kiên quyết xử lý đối với các dự án chậm do nguyên nhân chủ quan, thực hiện chấm dứt hoặc thu hồi đối với các dự án không còn khả năng triển khai, vi phạm không thể khắc phục được, không đảm bảo đầy đủ các điều kiện để triển khai theo quy định.

Các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần hoàn thiện hệ thống quy trình ISO, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục; thực hiện đúng quy định công bố, công khai thủ tục hành chính; tăng cường hướng dẫn thực hiện thủ tục; đôn đốc xây dựng phần mềm quản lý dự án.

Cùng với đó, đôn đốc xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là cơ sở dữ liệu chung liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng; xây dựng cơ sở dữ liệu chung theo dõi, quản lý các dự án dự án đầu tư đã được trao quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)