Để giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30% vào năm 2025, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, UBND thành phố định hướng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện.
Băng chuyền đưa rác vào lò đốt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn)
Vẫn chủ yếu là chôn lấp
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày. Trong đó, về thành phần rác thực phẩm chiếm 51,9%; chất trơ (cao su, da, gỗ...) chiếm 38% và lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm dưới 7,1%... Việc xử lý chủ yếu vẫn bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 98% tổng lượng chất thải rắn thu gom); ngoài ra xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện (chiếm khoảng 2%).
Thực tế, trong nhiều năm qua, thành phố đã rất quan tâm đến hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều bất cập. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Phạm Văn Đức, thành phố hiện thiếu cơ sở hạ tầng dành cho việc duy trì vệ sinh môi trường như trạm trung chuyển, điểm cẩu rác, trong đó đến nay mới có 3 trạm trung chuyển, chuyển tải chất thải rắn sinh hoạt cỡ vừa và nhỏ… Bên cạnh đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện đồng đều, gây gánh nặng cho thu gom, vận chuyển và xử lý...
Trong khi đó, theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25-4-2014), Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn, nhưng đến nay mới có 2 khu xử lý (Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn - huyện Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn - thị xã Sơn Tây) hoạt động. Khó khăn hơn nữa là cả 2 khu xử lý trên đều đang ở tình trạng không còn khả năng chôn lấp trong 1-2 năm tới...
Đến năm 2023, vận hành 2 nhà máy đốt rác
Để giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30% vào năm 2025, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, UBND thành phố định hướng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện.
Thông tin thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thành phố đã ban hành 5 tiêu chí chính, 5 tiêu chí phụ lựa chọn nhà đầu tư quản lý, xử lý rác thải, đáng chú ý có những tiêu chí cao để việc áp dụng công nghệ hiện đại đạt hiệu quả như: Có năng lực về tài chính, kinh nghiệm xử lý rác thải; có công nghệ đốt phát điện tiên tiến hiệu quả; đã có nhà máy xây dựng ở Việt Nam hay trên thế giới có hiệu quả...
“Đã có 2 dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao được thành phố chấp thuận đầu tư và hiện đang đôn đốc hoàn thành là: Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày -đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, vận hành trong năm 2021; Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/ngày - đêm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, dự kiến vận hành từ tháng 4-2023”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn sử dụng công nghệ lò đốt ENERGIZE@ - lò ghi cơ học tiên tiến nhất trên thế giới, với phân đoạn 3 vùng đốt, bảo đảm rác thải được đốt cháy hoàn toàn, giúp tận thu nhiệt để phát điện. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng... Việc xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện vừa giúp giảm tỷ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm quỹ đất cho công tác xử lý chôn lấp; vừa bổ sung năng lượng vào hệ thống điện quốc gia.
Ngoài ra, thành phố đang tiếp tục đôn đốc hoàn thành các dự án hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, phấn đấu hoàn thành đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2030 tại: Khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) công suất 1.500 tấn/ngày - đêm; Khu xử lý chất thải rắn Phù Đổng (huyện Gia Lâm) công suất khoảng 1.000 tấn/ngày - đêm; Khu xử lý chất thải rắn Châu Can (huyện Phú Xuyên) công suất khoảng 1.000 tấn/ngày - đêm.
Cùng với giải pháp công nghệ, Sở Xây dựng Hà Nội cũng vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong giai đoạn tới. Cụ thể, Sở Xây dựng rà soát, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xử lý chất thải rắn; xây dựng các giải pháp về quản lý, vận hành các khu xử lý tập trung... Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, triển khai kế hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn; rà soát, xây dựng quy định quản lý chất thải rắn, quy trình thu gom, phân loại rác tại nguồn, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; thúc đẩy tái chế. UBND các quận, huyện, thị xã có các giải pháp tối ưu hóa quá trình thu gom, vận chuyển, xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết, thực hiện giảm thiểu và phân loại rác tại nguồn...
Theo các chuyên gia môi trường, đây là những giải pháp tổng thể, bài bản, giúp thành phố giải quyết vấn đề xử lý rác thải theo hướng tối ưu về môi trường, phù hợp với đô thị văn minh, hiện đại.