Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch và Đề cương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
Ảnh minh họa
Việc tổng kết nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện và tình hình phát triển KTTT sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT (Nghị quyết số 13-NQ/TW) bao gồm: Kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả KTTT, hợp tác xã (HTX) đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phục vụ việc hoàn thiện thể chế, xây dựng dự thảo Nghị quyết mới của trung ương về KTTT.
Từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021, các cấp ủy Đảng từ cơ sở đến Trung ương gồm: Cấp huyện, cấp tỉnh; các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các cơ quan có liên quan triển khai Kế hoạch.
Tỉnh ủy, thành ủy 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết và tổ chức Hội nghị tổng kết ở hai cấp: Cấp huyện (Chậm nhất trong tháng 9/2021); cấp tỉnh (Chậm nhất trong tháng 10/2021).
Trước ngày 25/10/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết trong lĩnh vực nông nghiệp.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Các báo cáo kết quả Hội nghị tổng kết gửi về Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 30/10/2021.
Trong tháng 12/2021, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết.
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2020, cả nước có 26.112 HTX, tăng 6.225 HTX (khoảng 31,3%) so với năm 2016. Trong đó, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 17.462 HTX, số HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp là 8.650 HTX. Tốc độ tăng trưởng về số lượng HTX trong giai đoạn 2016-2020 là 7%/năm.
Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của các HTX ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của HTX năm 2020 tăng lên so với thời điểm 2016. Doanh thu bình quân của 1 HTX năm 2020 đạt 4.387,16 triệu đồng/HTX, tăng 1.009,96 triệu đồng, gấp khoảng 1,24 lần so với năm 2016. Tổng số cán bộ HTX tăng từ 81.389 người vào năm 2016 lên đến 107.506 người vào năm 2020, trong đó đội ngũ cán bộ có trình độ, được đào tạo cũng tăng theo thời gian…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thời gian qua các HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng HTX tăng lên nhưng số thành viên lại giảm đi, năm 2020 số thành viên HTX giảm 410.295 người (khoảng 6,2%) so với năm 2016. Đây là nguyên nhân cản trở sự phát triển của HTX. Các HTX đa số có quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường…
Mục tiêu của Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/03/2021 nhằm phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia KTTT, HTX; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Chiến lược phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2.000.0000 thành viên, 45.0000 HTX với 8.000.0000 thành viên, 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60-70% trên tổng số HTX cả nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 HTX và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.