Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 09/01/2024 18:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung kiến nghị: “Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực rà soát quy hoạch diện tích đất trong các khu công nghiệp và các khu vực kế cận phù hợp để bố trí phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đồng thời, chính sách phát triển nhà ở xã hội thời gian qua được Đảng, Quốc hội rất quan tâm nhưng khả năng đầu tư là có hạn do thiếu nguồn lực; do đó, cử tri kiến nghị có cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội phù hợp thực tế để hỗ trợ cho công nhân, người thu nhập thấp được ổn định cuộc sống”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 146/BXD-QLN ngày 09/01/2024 xin trả lời như sau:

(1) Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển, tăng nguồn cung nhà ở xã hội (cụ thể như: các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp, chi phí mua hoặc thuê mua nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp...), hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

 Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay trong giai đoạn 2021 - 2030, trên địa bàn cả nước đã có 495 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 402.898 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng, cụ thể như sau: Đã hoàn thành 70 dự án với quy mô 35.566 căn; Đã khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô 107.896 căn; Ngoài các dự án đã được khởi công nêu trên, đã có 298 dự án với quy mô 259.436 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.

(2) Tuy nhiên kết quả trên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở của đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp rất lớn hiện  nay, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài... một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.

(3) Nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn vừa qua, ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 với nhiều quy định mới đối với chính sách nhà ở xã hội nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển và giảm giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội ở mức vừa phải để người thu nhập thấp, công nhân lao động có thể tiếp cận mua, thuê mua, thuê nhà ở để ổn định cuộc sống. Theo đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có các quy định liên quan đến: ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; quy định cụ thể lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội nhằm đảm bảo giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với người có thu nhập thấp, công nhân lao động; lược bỏ điều kiện về cư trú so với Luật Nhà ở năm 2014 nhằm đơn giản các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; giá thuê nhà ở xã hội sẽ do chủ đầu tư và bên thuê thỏa thuận theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định; người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Ngoài ra, để đảm bảo nhu cầu chỗ ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung quy định liên quan đến nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, công nhân trong khu công nghiệp sẽ được xem xét thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp với giá thuê nhà lưu trú do bên thuê thỏa thuận với bên cho thuê theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội.

(4) Trong thời gian tới, để triển khai thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành để trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhằm đảm bảo việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại địa phương được thuận lợi, tạo điều kiện cho các trường hợp có khó khăn về chỗ ở nói chung và công nhân, người lao động nói riêng được tiếp cận với nhà ở xã hội.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 146/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)