Nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu chế tạo chất tạo bọt sử dụng trong sản xuất bê tông nhẹ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vật liệu không nung

Thứ năm, 19/04/2012 21:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 19/4/2012, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu chế tạo chất tạo bọt sử dụng trong sản xuất bê tông nhẹ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vật liệu không nung” mã số RD 29-10 do Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng thực hiện. ThS. Trần Đình Thái – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu – ThS. Trần Đình Thái – phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của ThS. Đào Quốc Hùng - chủ nhiệm đề tài, vật liệu bê tông bọt với thành phần nguyên liệu là xi măng, cát, xỉ lò cao, nước cùng một số phụ gia tạo bọt khí là một trong những sản phẩm vật liệu không nung được dùng để thay thế cho vật liệu nung hiện nay ở Việt Nam. Nhu cầu vật liệu nhẹ, vật liệu không nung trong nước trong những năm gần đây rất cao, phù hợp với định hướng của “Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 567/QĐ-TTg ký ngày 28/4/2010. Đề tài được nghiên cứu với mục đích góp phần giảm giá thành cho sản xuất bê tông bọt (do không cần nhập chất tạo bọt nữa), đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước. Do vậy, đề tài là một nghiên cứu rất cần thiết, đáp ứng tình hình và nhu cầu đối với vật liệu xây dựng không nung hiện nay của nước ta.

Qua nghiên cứu lựa chọn loại nguyên liệu để chế tạo chất tạo bọt (nguyên liệu có nguồn gốc động - thực vật; những chất khác như NaOH, SLS, SLES và một số chất ổn định Walocel, PVA, CMeC), nghiên cứu xác lập quy trình chế tạo chất tạo bọt trên cơ sở các nguyên liệu đó, kết hợp tham khảo 23 bộ tài liệu trong và ngoài nước và ứng dụng thử trên dây chuyền công nghệ của một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm của đề tài - được tạo ra bằng phương pháp thủy phân Albumin có nguồn gốc tự nhiên kết hợp với chất hoạt động bề mặt SLES, sử dụng chất ổn định Walocel với tỷ lệ các thành phần được xác định cụ thể – có chất lượng tương đương với phụ gia tạo bọt Eabassoc (nhập từ Anh) và hoàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo ASTM C869-99.

Các báo cáo phản biện và các thành viên Hội đồng đều nhất trí đánh giá cao tính thực tiễn, hiệu quả kinh tế của đề tài, cũng như nỗ lực của nhóm tác giả để thực hiện đề tài. Các thành viên Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến về bố cục, câu chữ để đề tài mạch lạc, dễ nắm bắt hơn; và đề xuất nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu hướng sử dụng nguyên liệu sãn có trong nước (dầu dừa) nhằm đa dạng hoá nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu – ThS. Trần Đình Thái bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến và đánh giá của các uỷ viên phản biện và thành viên Hội đồng, và lưu ý nhóm tác giả nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa để đề tài sớm được đưa vào ứng dụng trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam.

Đề tài đựơc nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.

Lệ Minh
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)