Đẩy mạnh chuyển đổi số với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số nhằm làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng...
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Sáng 6/7, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt nội dung Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã quán triệt những nội dung cốt lõi của Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đẩy mạnh CĐS với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng; thay đổi cách sống, làm việc của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển; các ngành, các lĩnh vực trọng điểm thực hiện CĐS theo hướng tối ưu hóa, thông minh hóa, góp phần thực hiện mục tiêu "Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại" như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 22/6/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh nhấn mạnh đến 5 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương…
Tại hội nghị, Tỉnh ủy đã tiến hành thực hiện quy trình về công tác quy hoạch cán bộ và công bố quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Dương. Theo quyết định của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo gồm 14 đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phát biểu sau khi ra mắt Ban Chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Văn Lợi đề nghị Ban Chỉ đạo tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó khẩn trương tham mưu ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo quy định về công tác kiểm tra giám sát, phân công nhiệm vụ của các đồng chí thành viên; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới./.