Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện chín tháng năm nay theo giá thực tế ước tính đạt 679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước [1] và bằng 39,8% GDP, bao gồm vốn khu vực Nhà nước 243,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% tổng vốn và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 264,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,8% và tăng 19%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 171,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% và tăng 11,6%.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện chín tháng năm 2011
| Nghìn tỷ đồng | Cơ cấu (%) | So với cùng kỳ năm trước (%) |
TỔNG SỐ | 679,9 | 100,0 | 112,8 |
Khu vực Nhà nước | 243,9 | 35,9 | 107,5 |
Khu vực ngoài Nhà nước | 264,1 | 38,8 | 119,0 |
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài | 171,9 | 25,3 | 111,6 |
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện chín tháng ước tính đạt 131,4 nghìn tỷ đồng, bằng 67,3% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2010, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 31,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% kế hoạch năm và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 3134 tỷ đồng, bằng 85,4% và tăng 14,2%; Bộ Công Thương 2827 tỷ đồng, bằng 69,3% và tăng 9,3%; Bộ Y tế 739 tỷ đồng, bằng 82,2% và tăng 6,7%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 729 tỷ đồng, bằng 81,1% và tăng 8,3%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 477 tỷ đồng, bằng 85,6% và tăng 5,5%; Bộ Xây dựng 473 tỷ đồng, bằng 48,2% và giảm 7,4%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 99,8 nghìn tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch năm và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2010. Một số địa phương có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn là: Hà Nội đạt 12082 tỷ đồng, bằng 60,2% kế hoạch năm và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2010; thành phố Hồ Chí Minh 10950 tỷ đồng, bằng 59,9% và tăng 9,4%; Đà Nẵng 5993 tỷ đồng, bằng 104,5% và tăng 12,5%; Quảng Ninh 3329 tỷ đồng, bằng 66,7% và giảm 2,2%; Bà Rịa-Vũng Tàu 2288 tỷ đồng, bằng 70,4% và tăng 5,1%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 22/9/2011 đạt 9903,5 triệu USD, bằng 72,1% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 8237,8 triệu USD của 675 dự án được cấp phép mới (giảm 31,5% về vốn và giảm 29,6% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 1665,7 triệu USD của 178 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chín tháng năm 2011 ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các ngành kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài chín tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký lớn nhất với 4911,8 triệu USD, bao gồm 3847,6 triệu USD vốn đăng ký mới và 1064,2 triệu USD vốn tăng thêm; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2525,3 triệu USD vốn đăng ký mới; ngành xây dựng đạt 689,3 triệu USD, bao gồm 547,5 triệu USD vốn đăng ký mới và 141,8 triệu USD vốn tăng thêm.
Trong chín tháng, cả nước có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Hải Dương dẫn đầu về vốn đăng ký với 2480,2 triệu USD, chiếm 30,1% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 1678,1 triệu USD, chiếm 20,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu 548 triệu USD, chiếm 6,7%; Hà Nội 451,4 triệu USD, chiếm 5,5%; Tây Ninh 436,4 triệu USD, chiếm 5,3%; Bình Dương 363,4 triệu USD, chiếm 4,4%.
Trong số 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam chín tháng năm 2011, Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với 2803,2 triệu USD, chiếm 34% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 1386 triệu USD, chiếm 16,8%; Nhật Bản 712,4 triệu USD, chiếm 8,6%; CHND Trung Hoa 555,6 triệu USD, chiếm 6,7%; Hàn Quốc 431,3 triệu USD, chiếm 5,2%; Ma-lai-xi-a 357,7 triệu USD, chiếm 4,3%.
Bạn đọc bấm vào File đính kèm để tải số liệu thống kê về.
Nguồn : Tổng cục Thống kê