Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm 2011 theo giá thực tế ước tính đạt 409,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước [4] và bằng 38,3% GDP, bao gồm vốn khu vực Nhà nước 141,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng vốn và giảm 3%; khu vực ngoài Nhà nước 163 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,8% và tăng 14,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 105,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,8% và tăng 3,1%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện sáu tháng đầu năm ước tính đạt 73,7 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2010, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4% kế hoạch năm và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Công Thương là 1612 tỷ đồng, bằng 39,5% và tăng 6,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1912 tỷ đồng, bằng 52,1% và tăng 22,7%; Bộ Y tế 432 tỷ đồng, bằng 48,1% và tăng 3,9%; Bộ Xây dựng 242 tỷ đồng, bằng 24,7% và giảm 29,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 381 tỷ đồng, bằng 42,4% và tăng 2,7%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 260 tỷ đồng, bằng 46,6% và giảm 1,5%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 37,7% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2010. Một số địa phương có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn là: Hà Nội đạt 7444 tỷ đồng, bằng 37,1% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2010; thành phố Hồ Chí Minh 6211 tỷ đồng, bằng 44% và tăng 12,5%; Đà Nẵng 3785 tỷ đồng, bằng 66% và tăng 3,6%; Thanh Hóa 2277 tỷ đồng, bằng 46,9% và tăng 11,9%; Quảng Ninh 2035 tỷ đồng, bằng 51,8% và tăng 6,4%; Cần Thơ 1596 tỷ đồng, bằng 57,1% và tăng 11,4%; Hậu Giang 1537 tỷ đồng, bằng 71,6% và tăng 10,9%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 22/6/2011 đạt 5666,7 triệu USD, bằng 56,7% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 4399,2 triệu USD của 455 dự án được cấp phép mới (giảm 49,9% về vốn và giảm 30,1% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 1267,5 triệu USD của 132 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện sáu tháng đầu năm ước tính đạt 5300 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong số các ngành kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sáu tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký dẫn đầu với 3333,2 triệu USD, bao gồm 2666,7 triệu USD vốn đăng ký mới và 666,5 triệu USD vốn tăng thêm; ngành xây dựng đạt 474,8 triệu USD, bao gồm 333,2 triệu USD vốn đăng ký mới và 141,6 triệu USD vốn tăng thêm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 322,7 triệu USD.
Sáu tháng đầu năm cả nước có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về vốn đăng ký với 1422,7 triệu USD, chiếm 32,3% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu 468,1 triệu USD, chiếm 10,6%; Hà Nội 427,1 triệu USD, chiếm 9,7%; Ninh Thuận 266 triệu USD, chiếm 6%; Bắc Giang 254,5 triệu USD, chiếm 5,8%; Đà Nẵng 239,6 triệu USD, chiếm 5,4%.
Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam sáu tháng đầu năm, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 1236,2 triệu USD, chiếm 28,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu HC Hồng Công (TQ) 533,8 triệu USD, chiếm 12,1%; Hàn Quốc 376,7 triệu USD, chiếm 8,6%; Ma-lai-xi-a 346,6 triệu USD, chiếm 7,9%; Vương quốc Anh 329,8 triệu USD, chiếm 7,5%; Nhật Bản 303,2 triệu USD, chiếm 6,9%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 261,8 triệu USD, chiếm 6%.
Bạn đọc bấm vào File đính kèm để tải số liệu thống kê về.
Nguồn : Tổng cục Thống kê