Giải đáp một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ

Thứ hai, 01/07/2024 15:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 4569/SXD-TT ngày 29/5/2024 của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh về một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có công văn 3771/BXD-PC có ý kiến như sau:

1. Về thẩm quyền phân cấp, ủy quyền kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật đối với các lĩnh vực xây dựng trong phạm vi địa bàn quản lý của mình;… Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền thực hiện việc kiểm tra cho Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kiến trúc); Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn tại địa phương.”.

Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”. Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Trong trường hợp cần thiết, … cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.”.

Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ) quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho sở và Giám đốc sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.”. Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP) quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnhlãnh đạo, chỉ đạo sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Như vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP), Nghị định số 35/2023/NĐ-CP đã quy định rõ về việc phân cấp, ủy quyền thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nói chung và việc phân cấp, ủy quyền thực hiện kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng nói riêng.

2. Về nội dung, đối tượng kiểm tra việc thực hiện pháp luật

- Về nội dung kiểm tra: Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP quy định chung về nội dung kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, yêu cầu của việc kiểm tra, người có thẩm quyền quyết định cụ thể về nội dung kiểm tra trong quyết định kiểm tra quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP.

- Về đối tượng kiểm tra: Trong quá trình soạn thảo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP, tại Tờ trình số 33/TTr-BXD ngày 14/10/2022 trình Chính phủ ban hành Nghị định, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ sự cần thiết, yêu cầu của việc bổ sung quy định về kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, quy định về kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực xây dựng tại Điều 13 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP nhằm mục tiêu kiểm soát việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền; gắn phân cấp, ủy quyền với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân cấp, ủy quyền theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019); bảo đảm phù hợp với quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tại các Luật chuyên ngành (Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Kiến trúc). Đồng thời, các nội dung kiểm tra quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị được giao quản lý nhà nước hoặc tham mưu quản lý nhà nước, các cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực xây dựng. Do vậy, căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xác định cụ thể về đối tượng kiểm tra trong kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3771/BXD-PC.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)