Trả lời kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh

Thứ hai, 27/11/2023 16:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị ngày 07/11/2023 của Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum về các khó  khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở tại địa bàn tỉnh Kon Tum theo các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Sau khi nghiên cứu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng xin trả lời Đại biểu Quốc hội như sau:

1. Về quy định đối tượng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: dự án 5 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo

(1) Tại điểm b Khoản 5 Mục III Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 quy định:

+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm.

+ Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

Như vậy, trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đã được UBND huyện phê duyệt danh sách nhưng đã được hỗ trợ từ chương trình, chính sách hỗ trợ khác hoặc đã chuyển đi nơi khác sinh sống hoặc đã thoát nghèo (không còn thuộc đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý) thì không thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định số 90/QĐ-TTg.

Trong tình hình kinh tế của đất nước hiện nay, trước mắt cần ưu tiên, tập trung hỗ trợ cho nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được hỗ trợ về nhà ở để đảm bảo tính công bằng. Đối với các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình, đề án, chính sách khác mà đến nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu, nghiên cứu trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2026-2030.

(2) Tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư  số 01/2022/TT-BXD quy định: Sau 03 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp và phê duyệt danh sách báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp phải điều chỉnh lại danh sách thì phải phê duyệt lại và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy, trường hợp phát sinh mới một số hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở (do UBND cấp xã quản lý) nhưng nằm ngoài danh sách Đề án đã được phê duyệt thì việc điều chỉnh lại danh sách do UBND cấp huyện phê duyệt lại và báo cáo UBND cấp tỉnh.

2. Về vốn vay ưu đãi

(1) Tại Tờ trình số 247/TTr-CP ngày 21/5/2020 của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có nội dung: Vốn ngân sách trung ương thực hiên Chương trình tối thiểu 104.954,01 tỷ đồng (gồm tối thiểu 50.629,16 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, tối thiểu 54.324,85 tỷ đồng vốn sự nghiệp), vốn ngân sách địa phương 10.016,72 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư phát triển 2.388,69 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 7.628,03 tỷ đồng), vốn tín dụng chính sách 19.727,02 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 2.967,20 tỷ đồng.

Theo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, trong đó, nguồn vốn thực hiện bao gồm: vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn tín dụng chính sách, vốn huy động hợp pháp khác.

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/ 2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có quy định liên quan đến nguồn vốn vay ưu đãi.

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 , Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, hộ nghèo thuộc Chương trình được vay vốn hỗ trợ nhà ở.

(2) Tại Tờ trình số 246/TTr-CP ngày 19/7/2021 của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nội dung: (i) Vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình là 48.000 tỷ đồng, gồm 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 28.000 tỷ vốn sự nghiệp; (ii) Dành  4.000 tỷ đồng cho dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.

Theo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/NQ-QH ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó nguồn vốn thực hiện bao gồm: vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác (không có quy định về nguồn vốn vay ưu đãi).

Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/NQ-QH, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg trong đó không có quy định liên quan đến nguồn vốn vay ưu đãi.

Hiện nay, công tác chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cũng là nhiệm vụ thường xuyên được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp cùng nỗ lực triển khai nhằm góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Mặt trận Tổ quốc đã vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết và thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện khác nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kon Tum xem xét, giải quyết theo thẩm quyền việc lồng ghép nguồn vốn để có thêm kinh phí để xây dựng nhà ở.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tiếp thu và đề xuất chính sách phù hợp đối với các nội dung kiến nghị trên đây của Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh trong thời gian tới.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5418/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)