Diện mạo đã "thay da đổi thịt" tại huyện Chương Mỹ sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VGP/TT.
Nhiều kết quả toàn diện
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý III năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023, đồng chí Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố cho biết, đến nay thành phố có 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai; có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được mục, Hà Nội đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, đồng chí Nguyễn Xuân Đại chia sẻ, Hà Nội cần có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, việc triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố đạt kết quả khả quan.
Đối với yêu cầu 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, Hà Nội đã có 17/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về chỉ tiêu có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai. Trong đó, có 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đã được Đoàn thẩm định thành phố thẩm định đủ điều kiện đề nghị các cấp công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Các huyện như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai đang tập trung hoàn thiện hồ sơ và các chỉ tiêu để hoàn thành hồ sơ trong các tháng cuối năm 2023 và quý I năm 2024.
Còn đối với chỉ tiêu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2022, thành phố có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố đang tập trung đánh giá tại các địa phương, dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.
Điển hình, vừa qua thành phố Hà Nội đã hoàn thành thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã của huyện Thanh Trì. Tất cả các xã đều đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đặc biệt, có 2 xã Yên Mỹ và xã Đại Áng chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực gồm môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Đây là 2 xã đầu tiên của Hà Nội đạt kiểu mẫu toàn diện.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, cả 8 xã được đánh giá nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2023 đều mới đạt nông thôn mới nâng cao năm 2022. Phát huy kết quả đạt được, các xã tiếp tục chọn thế mạnh của địa phương để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Với cách làm bài bản, cộng với nền tảng vững chắc từ các năm trước, nên khi đối chiếu với hướng dẫn đánh giá, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương đều đạt tiêu chí đề ra.
Cùng với duy trì các tiêu chí nông thôn mới, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây đang nỗ lực "cán đích" xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị xã Xuân Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, cùng nhau hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Xã Xuân Sơn cũng chú trọng xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tại thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, để giao thông của thôn trở nên khang trang hơn, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, trong quá trình thực hiện các dự án giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nhân dân trong thôn đã tích cực tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hơn 400m2 đất ở, đất vườn để mở rộng đường, di chuyển các cột điện, đặt đường ống cấp nước sạch thực hiện các dự án giao thông nông thôn, giao thông nội đồng… Tương tự, tại thôn Xóm Chằm, 100% tuyến đường khu dân cư và giao thông nội đồng đều được bê tông hóa, thảm nhựa. Cùng với đó, người dân thôn Xóm Chằm còn tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc đưa về địa phương các nghề mới, như cơ khí, may mặc, mộc, xây dựng... Nhiều lao động ở thôn đang làm trong các công ty, xưởng sản xuất trên địa bàn thị xã và thành phố, với thu nhập bình quân từ 6 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Thôn Xóm Chằm hiện không còn hộ nghèo và cận nghèo.
Chính vì vậy, đến nay, 100% đường trục, đường liên thôn của xã Xuân Sơn dài 26,45km đã được bê tông hóa; hơn 90% tuyến đường có rãnh thoát nước, được trồng cây bóng mát và hoa ven đường, tạo cảnh quan sạch đẹp. Các mô hình bảo vệ môi trường, như: Đường tự quản của phụ nữ, thanh niên, nông dân được duy trì; hơn 90% số hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn... Tính đến tháng 11 năm 2023, thu nhập bình quân chung của toàn xã đạt 69,62 triệu đồng/người/năm, xã chỉ còn 11 hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều (chiếm tỷ lệ 0,5% số hộ dân).
Tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025
Những cung đường nông thôn đẹp như tranh vẽ tại huyện Thanh Trì. Ảnh: VGP/TT.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, Hà Nội cần tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Thành phố đã xây dựng xong Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 để trình HĐND thành phố thông qua trong kỳ họp tới đây. Đề án đã xác định rõ 14 nhóm giải pháp. Theo đó, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn; phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics; phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, Hà Nội cũng nâng cấp cơ sở vật chất ngành Giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực ở nông thôn… Thành phố chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc; nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Nguồn vốn để triển khai đề án khoảng 92.680 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động ngoài ngân sách.
Chỉ đạo tại hội nghị giao ban quý III của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" của Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, trong năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần cân đối nguồn lực, ưu tiên cho các nhóm vấn đề liên quan đến Chương trình số 04-CTr/TU, nhằm hỗ trợ các huyện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ rõ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của thành phố vào năm 2025.