Bộ Xây dựng cho ý kiến về giải pháp bổ sung, tăng cường phòng cháy chữa cháy đối với công trình khách sạn

Thứ hai, 06/05/2024 17:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng vừa có công văn 1891/BXD-KHCN cho ý kiến về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với công trình Khách sạn của Ông Nguyễn Trọng Nghĩa có địa chỉ tại số nhà 21-23-25 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội.

1. Về việc bố trí công năng công cộng tại các tầng hầm B2 và B3

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp kỹ thuật tăng cường tại 2.2.1 và mô phỏng giải pháp thoát nạn cho người tại khu vực dịch vụ của tầng hầm B2 và B3 tại mục 3 được lập trên cơ sở các tài liệu chuẩn của Liên Bang Nga, Mỹ, Newzealand về an toàn cháy về xác định tải trọng cháy, tính toán khói, mô phỏng các kịch bản cháy ở các tầng hầm có bố trí công năng công cộng. Các giải pháp này nhằm: tăng cường khả năng chống cháy lan, nâng cao thời gian an toàn cho các không gian thoát nạn trước sự tác động của nhiệt, khói bụi do đám cháy (theo kịch bản) sinh ra, tầng hầm không bố chí các phòng chứa vật liệu dễ cháy, các chất khí cháy để hạn chế tối đa các nguồn nguy cơ sinh khói, sinh nhiệt trong tầng hầm; đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng của người lưu trú trong tòa nhà, giảm thiểu thiệt hại tối thiểu nhất có thể khi xảy ra cháy, góp phần hỗ trợ lực lượng PCCC chuyên nghiệp trong quá trình triển khai chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có cháy. Các giải pháp này phù hợp với nguyên tắc đảm bảo theo các quy định tại 3.1.7 của QCVN 06:2022/BXD và tại 1.5.4, 1.5.5, 1.5.6 của Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

2. Về lối thoát nạn tại các tầng hầm B1, B2 và B3

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.2 nhằm tăng cường khả năng chống cháy lan, nâng cao thời gian an toàn cho các không gian thoát nạn trước sự tác động của nhiệt, khói bụi do đám cháy sinh ra; tăng tiện nghi, hỗ trợ kiểm soát và thoát nạn hiệu quả hơn: bố trí cửa thoát nạn đặt tại vị trí chiếu nghỉ thang bộ có kích thước phủ bì bằng thông thủy vị trí chiếu nghỉ đặt cửa có hướng từ hầm B1 lên tầng 1 và từ tầng lửng xuống tầng 1; bổ sung đèn sự cố và chỉ dẫn thoát nạn tại vị trí giao nhau; bổ sung chỉ dẫn bằng hình ảnh; tại sảnh tầng 1 bố trí đường thoát nạn được bao bởi 2 dải sử dụng vật liệu phản quang 2 bên có độ rộng 1,2m; cách mỗi dải 1m không bố trí các đồ đạc có thể gây cháy và cản trở giao thông thoát nạn. Giải pháp này phù hợp với nguyên tắc đảm bảo theo quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

3. Về thang máy chữa cháy

Các thang máy chữa cháy nhằm phục vụ công tác PCCC&CNCH của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, do đó cần được cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH có thẩm quyền thẩm duyệt quyết định.

4. Về lối vào trên cao

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.4: tại vị trí tầng lửng bố trí hành lang thoát nạn với các cửa quay ra hành lang là cửa chống cháy với giới hạn chịu lửa EI 30. Giải pháp này phù hợp với nguyên tắc đảm bảo theo quy định tại 6.2.2.1 và 6.2.2.3 của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

5. Về việc 02 thang bộ có lối thoát nạn vào sảnh chung của tầng 1

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.5: Tại sảnh tầng 1 bố trí đường thoát nạn được bao bởi 2 dải bằng vật liệu phản quang 2 bên có độ rộng 1,2m; cách dải 1m không bố trí các đồ đạc có thể gây cháy và cản trở giao thông thoát nạn; bố trí đèn sự cố chiếu sáng gắn tường dọc theo đường di chuyển với khoảng cách giữa 2 đèn không lớn hơn 10m, điểm cụt không lớn hơn 5m, đảm bảo chống chói, chống lóa theo TCVN 13456:2022; bố trí 2 người được trang bị kiến thức và tập huấn về phòng cháy, chữa cháy thay phiên nhau thường trực 24/24 tại phòng trực đặt tại tầng 1. Giải pháp này phù hợp nguyên tắc đảm bảo có lối thoát ra trực tiếp theo quy định của QVCN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

6. Về bề rộng thang, hình dáng bậc thang của thang bộ 01 trục 2-3/C-D

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.6: Bố trí đèn chiếu sáng tại các chiếu nghỉ thang bộ với công suất đèn không nhỏ hơn 5W chiếu sáng 24/24h và có 2 nguồn điện độc lập (1 nguồn điện chính và 1 nguồn điện dự phòng); bố trí hệ thống tăng áp cho hố thang bộ đảm bảo áp suất dương khi có cháy với áp suất từ 20 Pa đến 50 Pa; bố trí dải vật liệu phản quang tại vị trí các bậc thang và chiếu nghỉ không đảm bảo. Giải pháp này phù hợp nguyên tắc cho việc thoát nạn của công trình theo quy định của QVCN 06:2022/BXD.

7. Về thang bộ trục 4-5/A-B ở một số tầng khi mở cửa làm giảm chiều rộng chiếu nghỉ của thang bộ

Các yêu cầu về quy cách, cấu tạo, vị trí của thang bộ thoát hiểm quy định tại QVCN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD nhằm đảm bảo cho người trong công trình có thể di chuyển trong thang bộ thoát hiểm một cách dễ dàng, an toàn và thoát ra khỏi công trình trong trường hợp có cháy xảy ra. QCVN 06:2022/BXD cho phép dùng luận chứng kỹ thuật để chứng minh việc đảm bảo thoát nạn an toàn cho người. Trường hợp các thang chưa đảm bảo khoảng cách phân tán thì phải đảm bảo điều kiện đám cháy và khói không thể phong tỏa được thang trong thời gian con người chưa kịp thoát nạn hoàn toàn ra ngoài.

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.7: đã có tính toán về chiều rộng lối thoát nạn tối thiểu theo số lượng người tuân thủ G.2.1.1 của QCVN 06:2022/BXD đối với nhà bậc I, II, với định mức 165 người/1m chiều rộng lối thoát nạn (25/165=0,152 m); công trình có 02 thang bộ thoát nạn với chiều rộng vế thang nhỏ nhất là 0,61m về cơ bản đảm bảo chiều rộng lối thoát nạn theo tính toán và đủ đảm bảo kích thước để 1 người có thể chạy dễ dàng trong thang bộ (theo lý thuyết cần rộng 600mm là đủ một người di chuyển). Ngoài ra còn bổ sung giải pháp tăng cường: bố trí đèn chiếu sáng tại các chiếu nghỉ thang bộ với công suất đèn không nhỏ hơn 5W chiếu sáng 24/24h và có 2 nguồn điện độc lập (1 nguồn điện chính và 1 nguồn điện dự phòng); bố trí hệ thống tăng áp cho hố thang bộ đảm bảo áp suất dương khi có cháy với áp suất từ 20Pa đến 50Pa; bố trí dải vật liệu phản quang tại vị trí các bậc thang và chiếu nghỉ không đảm bảo; và có lưu ý về việc cảnh báo an toàn tại các vị trí có cửa mở vào buồng thang. Giải pháp này phù hợp với nguyên tắc cho việc thoát nạn của công trình theo quy định của QVCN 06:2022/BXD.

Bộ Xây dựng đề nghị Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ, gửi cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có thẩm quyền xem xét, quyết định; triển khai các bước tiếp theo phù hợp với các quy định pháp luật về PCCC. Trong suốt quá trình khai thác sử dụng, phải thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa các hạng mục về PCCC; khai thác sử dụng đúng số người theo thiết kế; cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện cam kết duy trì nhân viên có chuyên môn thường xuyên trực điều khiển chống cháy để kịp thời xử lý ngay các tình huống khi xảy ra sự cố cháy.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1891/BXD-KHCN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)