Thị trường khó tiêu thụ
Sản phẩm GKN có nhiều loại như: gạch xi-măng - cốt liệu (gạch Block), gạch bê-tông bọt, gạch bê-tông khí chưng áp..., nhưng tựu trung đều có những đặc tính ưu việt: nhẹ, thân thiện và tiết kiệm. Song, trên thị trường, tỷ lệ sử dụng vật liệu này hiện còn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sử dụng gạch đất nung, xây dựng theo lối thủ công truyền thống của người dân. Về chủ quan, đó là do việc chậm ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn thi công, nghiệm thu công trình... dẫn tới khó khăn về dự toán, thanh quyết toán công trình có sử dụng VLXKN. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn từ đầu năm cũng tác động mạnh đến việc tiêu thụ dòng sản phẩm mới này.
Phó Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết, nếu các dự án đầu tư xây dựng GKN đi vào hoạt động theo đúng tiến độ thì tỷ trọng VLXKN sẽ đáp ứng được khoảng 18% tổng khối lượng vật liệu xây dựng. Cả nước hiện có gần 30 doanh nghiệp (DN) lập dự án đầu tư, nhưng mới có bảy dự án đi vào sản xuất với công suất một triệu m3/năm, hai dự án đã lắp đặt thiết bị xong nhưng chưa đưa vào sản xuất thử và hơn 12 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản ảm đạm, một số dự án phải hoãn, giãn tiến độ. Nhiều DN đã đi vào hoạt động có ý định quảng bá rộng rãi dòng sản phẩm mới này nhưng đành "ngậm ngùi" gác lại do khả năng tiêu thụ không được cải thiện.
Giám đốc Công ty cổ phần bê-tông khí chưng áp Viglacera Nguyễn Ðức Hưng chia sẻ, công ty mới đi vào sản xuất từ cuối năm 2010, nhưng hiện nay lượng tồn kho đã lên tới vài trăm nghìn m3, trị giá tám tỷ đồng, trong khi, công ty vẫn đang phải gánh lãi vay ngân hàng từ 22,5% đến 23%/năm. Hơn nữa, dây chuyền của nhà máy là sự pha trộn giữa công nghệ Ðức và thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc nên khi áp dụng tại Việt Nam cũng chưa có bộ quy chuẩn tương ứng. Hiện nay, bộ tiêu chuẩn trong nước đang áp dụng là bộ tiêu chuẩn của châu Âu, khiến các sản phẩm sản xuất trong nước khó đáp ứng được. Ngoài ra, việc tuyên truyền sử dụng loại gạch mới này chưa được quan tâm và chậm ban hành bộ tiêu chuẩn định mức đầu tư đối với loại GKN, dẫn đến các chủ đầu tư không thể đưa vào dự toán để quyết toán các công trình. Hiện nay, công ty mới chỉ bán được khối lượng sản phẩm khiêm tốn cho một công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, còn lại chủ yếu tiêu thụ trong các công trình có vốn nước ngoài và đã bước đầu mở rộng sang khu vực nhà dân.
Tuyên truyền, quảng bá gắn với cơ chế thích hợp
Không thể phủ nhận những ưu thế của GKN so với gạch nung thông thường. GKN có tỷ trọng gần bằng một nửa đến hai phần ba so với gạch đặc đất sét nung, có kết cấu nhiều lỗ khí, được phân bố đều với mật độ cao nên tính năng cách âm tốt gấp hai lần so với gạch xây thông thường, đồng thời giữ ấm cho ngôi nhà về mùa đông, mát về mùa hè, tiết kiệm điện năng (có thể tiết giảm đến 40% chi phí điện năng tiêu thụ của máy điều hòa), giải phóng độ ẩm và loại trừ các vấn đề liên quan đến nấm mốc. Gạch sản xuất theo nhiều kích thước phù hợp và chính xác, giúp rút ngắn thời gian thi công và hoàn thiện... Ðặc biệt, với thành phần cấu tạo là vật liệu trơ và các chất vô cơ, các loại GKN có độ cứng, độ bền, khả năng chống cháy cao, ít tiêu tốn nhiên liệu và rất thân thiện với môi trường. Mặc dù giá GKN còn cao hơn so với gạch nung, nhưng nếu sử dụng hoàn toàn GKN thì tổng mức đầu tư xây dựng công trình có thể giảm từ 7 đến 10% so với gạch nung thông thường, trong khi tiến độ xây nhanh gấp hai đến năm lần. Vậy làm thế nào để GKN có chỗ đứng trên thị trường?
Về phương diện quản lý Nhà nước, cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, trước mắt sớm ban hành tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu... các công trình sử dụng VLXKN. Song song với đó là giải pháp tìm lộ trình thích hợp xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Theo Phó Vụ trưởng Phạm Văn Bắc, do chưa có bộ quy chuẩn nên nhiều DN đã mượn cớ để không sử dụng VLXKN vào xây dựng. Hơn nữa, quy định bắt buộc sử dụng 30% GKN cho nhà chín tầng mới chỉ áp dụng cho các công trình sử dụng vốn Nhà nước và hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt. Vì vậy, giải pháp hiệu quả là nên gắn việc sử dụng GKN với việc cấp phép xây dựng, vừa đơn giản, mà vẫn đúng chức năng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để người dân, DN nhận thức đúng đắn về VLXKN, nhất là GKN, từ đó thay đổi thói quen sử dụng các loại vật liệu truyền thống. Mặc dù là dòng sản phẩm mới, lại đưa ra thị trường vào thời điểm khó khăn, nhưng không vì thế mà các nhà sản xuất VLXKN được phép coi nhẹ công tác truyền thông. Ðã có thời điểm GKN được tuyên truyền khá mạnh mẽ, nhưng khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại thì thông tin về dòng sản phẩm mới này cũng "vắng bóng" dần, khiến người dân chưa đủ thông tin, lòng tin để thay đổi thói quen.
Ðể VLXKN khẳng định được vai trò trên thị trường vật liệu xây dựng, nâng cao tỷ lệ sử dụng từ 30% đến 40% theo định hướng của Chương trình phát triển VLXKN của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần ban hành những chính sách đồng bộ, đủ mạnh, trong đó tập trung sớm xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch nung công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, hỗ trợ DN sản xuất GKN hạ giá thành sản phẩm, đồng thời khuyến khích và bắt buộc sử dụng loại vật liệu này trong các công trình xây dựng.
Theo : Báo Nhân dân điện tử