Đến hết năm 2019, TP Hải Phòng có 100% số xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Để có các xã, các huyện NTM kiểu mẫu, thành phố triển khai các mô hình thôn NTM kiểu mẫu. Sau hơn hai năm phấn đấu với nhiều cách làm hay, thôn Xuân Chiếng, một vùng đất thuần nông vốn trong diện khó khăn của xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) đã được công nhận là thôn NTM kiểu mẫu của thành phố cảng...
Sản xuất mạ khay tại tổ dịch vụ nông nghiệp của trưởng thôn Phạm Thị Dung.
Vùng quê đổi mới
Thôn Xuân Chiếng có 551 hộ với 1.778 nhân khẩu, diện tích canh tác 75 ha. Chi bộ thôn có 78 đảng viên, năm chi hội đoàn thể, 31 dòng họ. Giống như bao vùng quê khác của huyện thuần nông Kiến Thụy, đời sống người dân Xuân Chiếng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng trong khó khăn, người dân Xuân Chiếng vẫn nỗ lực vươn lên thoát nghèo và tích cực tham gia xây dựng quê hương đổi mới. Đáng chú ý, sau hai năm được chọn làm điểm, Xuân Chiếng đã hoàn thành xây dựng thôn NTM kiểu mẫu cấp thành phố.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác MTTQ thôn Xuân Chiếng, Nguyễn Xuân Sông báo tin vui, từ một vùng quê nghèo khó bộn bề, giờ đây Xuân Chiếng đã “lột xác”, đổi mới toàn diện nhờ chính từ khơi dậy sức mạnh, nguồn lực trong dân, từ những người con xa quê và sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sông nhớ lại, những năm trước đây, thu nhập của người dân Xuân Chiếng chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng người dân phải bỏ ruộng do hiệu quả sản xuất không cao. Thí dụ khu đồng Tân Bồi có tới hơn tám héc-ta bỏ hoang hóa. Nhà cửa của người dân thì lụp xụp, cũ nát. Đường làng, ngõ xóm ghập ghềnh, nhỏ hẹp, tối tăm, cầu cống thì ọp ẹp. Con kênh Xuân Chiếng là hệ thống dẫn nước chính thì được ví như con kênh “chết” bởi ùn ứ toàn rác thải, bốc mùi hôi thối, cỏ dại mọc um tùm…
Giờ đây, về Xuân Chiếng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng. Ruộng đồng được “dồn điền, đổi thửa” thành những cánh đồng mẫu lớn và thực hiện cơ giới hóa. Tuyến kênh “chết” đầy bùn, rác đã hồi sinh, được khơi thông, nạo vét, kè bờ chắc chắn và hoa đã khoe sắc hai bên bờ kênh. Những cây cầu ọp ẹp nối hai bờ kênh được thay thế bằng cầu bê-tông vững chãi. Các tuyến đường trục thôn đã được mở rộng, trải nhựa hoặc đổ bê-tông, hai bên có hệ thống thoát nước và được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng… Đồng chí Nguyễn Xuân Sông cho hay, hiện nay thôn có 67% số hộ giàu và khá, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chỉ còn dưới 1%; 90% số hộ dân có nhà xây kiên cố, khang trang; tất cả các gia đình có nước dùng hợp vệ sinh; đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt; công tác khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện... được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả tốt. Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, rộng rãi và trở thành điểm sinh hoạt chính trị, văn hóa, thể thao của bà con trong thôn, hoạt động của các đoàn thể và điểm vui chơi của các cháu thiếu nhi…
Phát huy sức mạnh đồng sức, đồng lòng của người dân
Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Phúc, Nguyễn Văn Quyết khẳng định, phần đóng góp quan trọng để Xuân Chiếng thành công trong xây dựng NTM kiểu mẫu hôm nay, đó là từ công tác dân vận, vận động người dân cùng đồng lòng, hợp sức…
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác MTTQ thôn Xuân Chiếng Nguyễn Xuân Sông cho biết: Với quyết tâm đi đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu, Chi ủy chi bộ thôn đã họp bàn ra nghị quyết rồi đưa ra hội nghị bàn bạc với người dân trong thôn cùng hiểu và hưởng ứng. Cùng với đó, một mô hình dân vận khéo với tám thành viên được ban công tác mặt trận cơ sở thôn hình thành nhằm vận động nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và thực hiện xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu.
Và một phong trào “cấy kín đồng, trồng kín đất” được tuyên truyền, vận động trong nhân dân nhằm khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng sản xuất nông nghiệp không còn đơn thuần, nhỏ lẻ, tự phát như trước. Thôn vận động người dân thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và trồng cây vụ đông xen vụ trong sản xuất nông nghiệp. Một chương trình “dồn điền, đổi thửa”, quy hoạch lại ruộng đồng được triển khai, tuyến đường trục ra đồng dài hơn một cây số được hoàn tất. Và người trưởng thôn miệng nói, tay làm Phạm Thị Dung đã đi đầu thành lập tổ sản xuất dịch vụ mạ khay, máy làm đất, máy gặt và các dịch vụ vật tư, trừ sâu bệnh cho cây trồng. Bà đã vận động người dân thực hiện một mô hình sản xuất tập trung 25 ha và hai vùng tích tụ ruộng đất 15 ha. Từ những vụ sản xuất đầu thành công, bà con dần đã tin tưởng hưởng ứng. Và những cánh đồng bỏ hoang đã xanh ngát trở lại, năng suất lúa trên các diện tích này giờ đây luôn đạt từ 2,5 tạ đến 3 tạ/sào, cao nhất so với toàn xã. Và tám người trong tổ dịch vụ của bà Dung đã có thu nhập trung bình từ 5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Để đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, cầu, đường, kênh mương trong thôn đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ. Cùng với sự hỗ trợ một phần vật tư, xi-măng của thành phố, thôn vận động các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả và cả những người con xa quê có điều kiện cùng tham gia góp sức xây dựng cơ sở vật chất. Từ những khoản đóng góp này, người dân trong thôn cùng hợp sức làm nên một Xuân Chiếng khang trang như hiện nay.
Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, Đỗ Xuân Trịnh chia sẻ, trong thành công của Xuân Chiếng, công tác dân vận đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc tuyên truyền vận động, khơi dậy sức mạnh từ chính nội lực trong dân để thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mô hình xây dựng NTM kiểu mẫu của Xuân Chiếng được nhiều địa phương khác trong huyện Kiến Thụy và các huyện khác noi theo.