7 tháng đầu năm, Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Theo đó, đến nay, toàn thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Dự kiến, hết năm 2020, có thêm 7 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Về xây dựng xã NTM và NTM nâng cao, đến nay có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. Dự kiến, đến hết năm 2020, có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Nhìn chung, đời sống nông dân trên địa bàn thành phố không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 88,3%. Có 100% xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.
Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,81% xuống còn 0,69% (chưa trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội), đến nay, có 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm và Hoài Đức không còn hộ nghèo. Dự kiến, đến hết năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 53 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 0,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt từ 95% - 100%.
Về thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM: Quy hoạch có 100% số xã đạt tiêu chí; giao thông có 381/382 xã đạt và cơ bản đạt; thủy lợi có 381/382 xã đạt và cơ bản đạt; điện có 100% số xã đạt tiêu chí; trường học có 361/382 xã đạt và cơ bản đạt, còn 21 xã chưa đạt; cơ sở vật chất văn hóa có 371/382 xã đạt và cơ bản đạt; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn có 365 xã đạt và cơ bản đạt; thông tin và truyền thông có 100% xã đạt tiêu chí; nhà ở dân cư có 100% số xã đạt và cơ bản đạt; thu nhập có 369/382 xã đạt và cơ bản đạt; hộ nghèo có 377/382 xã đạt và cơ bản đạt; lao động có việc làm có 381/382 xã đạt và cơ bản đạt; tổ chức sản xuất có 100% xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí; giáo dục và đào tạo có 100% số xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí; văn hóa có 372/382 xã đạt và cơ bản đạt; môi trường và ATTP có 380/382 xã đạt và cơ bản đạt; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật có 381/382 xã đạt và cơ bản đạt; quốc phòng và an ninh có 381/382 xã đạt và cơ bản đạt.
Về kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2021, toàn thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM, có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao trở lên, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Huy động 56.512,8 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới
Để phấn đấu hoàn thành thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội vừa rà soát công tác huy động nguồn lực, quản lý và sử dụng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình từ năm đầu năm 2016 đến hết tháng 6 năm 2020 của Hà Nội là 56.512,8 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 58 tỷ đồng; ngân sách thành phố 20.911,2 tỷ đồng (hỗ trợ trực tiếp 6.973,8 tỷ đồng, hỗ trợ theo chương trình lồng ghép là 13.937,42 tỷ đồng); ngân sách huyện 29.275,45 tỷ đồng; ngân sách xã 1.455,52 tỷ đồng. Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 4.812,6 tỷ đồng, trong đó đóng góp của nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng...) là 1.976,6 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã là 2.037,54 tỷ đồng; các nguồn vốn khác là 798,47 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, hằng năm, HĐND thành phố và các huyện, thị xã, các xã đã bố trí ngân sách năm sau cao hơn năm trước, đồng thời vận động tuyên truyền các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ xây dựng nông thôn mới. Việc quản lý và sử dụng kinh phí được phân bổ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành thực hiện bảo đảm theo đúng quy định, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Đáng nói, đến nay thành phố Hà Nội không còn tình trạng nợ đọng xây dựng nông thôn mới.
Về dự kiến nguồn lực và khả năng huy động thực hiện chương trình trung hạn giai đoạn 2021-2025: Dự kiến tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn Hà Nội là 89 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn lồng ghép của thành phố là 25 nghìn tỷ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp là 20 nghìn tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 30 nghìn tỷ đồng, ngân sách cấp xã 2 nghìn tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách là 12 nghìn tỷ đồng.
Từ nguồn lực trên, thành phố sẽ tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn thành phố. Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn với quy hoạch... Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân. Phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đời sống, hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn…