Đồng Nai, “điểm sáng” của cả nước trong xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 05/01/2016 14:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự tích cực hưởng ứng của nhân dân, nông thôn Đồng Nai đã có những đổi thay rõ nét.

Áp dụng khoa học công nghệ, người dân tại huyện Nhơn Trạch trồng bí trong nhà màng

Đến nay, Đồng Nai là một trong những địa phương có số xã hoàn thành NTM nhiều nhất nước, trong đó hai đơn vị cấp huyện (Xuân Lộc, TX. Long Khánh) đã hoàn thành chương trình NTM đầu tiên trong cả nước; cuối năm có thêm huyện Thống Nhất được công nhận và 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch đạt các tiêu chí NTM.

Vượt chỉ tiêu Nghị quyết Trung ương

Mặc dù là tỉnh công nghiệp, nông nghiệp chỉ đóng góp 6% GDP toàn tỉnh, nhưng Đồng Nai có đến 60% cư dân sống ở vùng nông thôn. Đời sống nông dân, ở thời kỳ nào cũng vất vả và đầy những rủi ro cần được sự quan tâm, hỗ trợ. Xuất phát từ quan điểm đó, ngay từ những năm 2007, Đảng bộ Đồng Nai đã có Nghị quyết về xây dựng nông thôn “4 có”: Có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Đây là tiền đề thuận lợi để Đồng Nai bước vào tổ chức triển khai thực hiện chương trình quốc gia xây dựng NTM theo Nghị quyết của Trung ương.

Xác định mục tiêu cao nhất trong xây dựng NTM là nâng cao thu nhập, đời sống của cư dân vùng nông thôn, Đồng Nai đã thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ và đã hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn. Trong đó, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được xem là khâu đột phá nhằm tăng nhanh thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của nông dân ở vùng nông thôn.

Để “tiếp sức” cho người nông dân phát triển sản xuất, khi bắt tay xây dựng NTM việc xây dựng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như: điện, giao thông, hệ thống thủy lợi… được chú trọng đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống của người nông dân. “Chín năm trước, đồi Sapi bị bỏ hoang hóa, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng, từ khi triển khai chương trình NTM, Nhà nước đã đầu tư đường điện, trải thảm đường nhựa, bê tông hóa… đã tạo điều kiện để khu vực này vươn mình phát triển. Đồng thời, khi người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Xuân Lộc hỗ trợ 30% vốn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, cây giống, phân bón… Nhờ sự hỗ trợ thiết thực trên, gia đình tôi đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay với 4 ha đất trồng xoài, quýt, gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm”, anh Hoàng Văn Đảm, nông dân xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc cho biết.

Việc hình thành những vùng chuyên canh nông sản năng suất cao rộng lớn, kết hợp với việc áp dụng khoa học công nghệ đang giúp nông dân tăng nhanh thu nhập. Tính đến hết năm 2015, giá trị sản phẩm trên 1 ha diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt hơn 105 triệu đồng/ha (tăng hơn 23% so năm 2011). Qua đó, đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2015 ước đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 59% so với năm 2011).

Đời sống người nông dân được nâng cao, người nông dân những “chủ nhân” vùng nông thôn hăng hái hơn trong việc góp sức, góp của để xây dựng NTM. Nhờ đó, Đồng Nai đã tiến những bước nhanh và vững chắc trong xây dựng NTM. Theo Nghị quyết của Trung ương, đến năm 2015, mỗi địa phương chỉ cần có 20% số xã đạt chuẩn NTM (đến năm 2020 con số này là 50%), trong khi đó, đến cuối năm 2015, Đồng Nai đã có 91/133 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt hơn 68%).

Thành công nhờ biết lấy dân làm gốc

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phạm Minh Đạo, “chìa khóa” thành công trong xây dựng NTM của Đồng Nai chính là bài học lấy dân làm gốc, lấy sức dân để lo cho dân.

Để người dân “đồng lòng, chung sức” xây dựng NTM, Đồng Nai đã yêu cầu các tổ chức, đoàn thể và đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo phải bám sát thực tiễn, gần gũi, lắng nghe dân và giải thích để dân hiểu về tầm quan trọng của họ trong xây dựng NTM. Đặc biêt, xác định vai trò quan trọng của người đứng đầu, các địa phương đã mạnh dạn thay thế cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc đủng đỉnh, cầm chừng. “Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu cán bộ nào không thực hiện đúng yêu cầu trên, không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì huyện sẽ thay thế, điều chuyển công tác để thay thế người khác có năng lực hơn. Huyện cũng quan tâm đến công tác khen thưởng đối với cán bộ, người dân làm tốt việc xây dựng nông thôn mới để tạo động lực thi đua...”, bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Xuân Lộc cho biết.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh nhằm tăng năng suất, giá trị nông sản.
Trong ảnh: Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa tại huyện Xuân Lộc

Nhờ bước “đột phá” trong công tác cán bộ đã giúp Xuân Lộc tiến nhanh trong công cuộc xây dựng NTM. Nhiều địa phương như: xã Lang Minh, Xuân Hưng, Xuân Tâm vốn “hụt hơi” trong xây dựng NTM, nhưng nhờ thay thế, luân chuyển đội ngũ cán bộ mới có năng lực, dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm đã “tăng tốc” về đích góp sức chung đưa Xuân Lộc trở thành huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM.
“Nhân dân là chủ thể và cũng là người thụ hưởng chính trong công cuộc xây dựng NTM”, đây được xem là “kim chỉ nam” trong thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Từ đây, vai trò “làm chủ” của người dân được phát huy đã khuyến khích người dân tích cực góp công, góp của trong quá trình xây dựng NTM.

Trong quá trình xây dựng NTM, ấp Quảng Biên, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom có hơn 6km đường liên ấp đã được nhựa hóa, trong đó có nhiều tuyến đường được nhân dân đóng góp xây dựng hoàn toàn. Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ấp Quảng Biên thì kết quả đó có được là nhờ cách làm minh bạch, công bố đầy đủ để người dân biết, đóng góp ý kiến và thực hiện. “Khi bắt tay thực hiện bất kỳ tuyến đường nào, ấp cũng đều tổ chức họp dân 3 lần. Tại các buổi họp này có cả sự tham gia của chính quyền, các nhà thầu và đầy đủ người dân. Quy mô, tổng vốn thực hiện đều được đưa ra thảo luận để mọi người góp ý. Từ đó, công việc được người dân đồng tình, tham gia góp sức. Kết thúc công trình ấp lại có buổi họp tổng kết công khai cho phí nên trong quá trình thực hiện người dân vui vẻ đồng tình”, ông Đức cho biết.

Thực tiễn xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã chứng minh việc phát huy vai trò làm chủ, giám sát của nhân dân chính là chìa khóa dẫn đến thành công trong xây dựng NTM. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong con số đóng góp của người dân trong 5 năm thực hiện xây dựng NTM vừa qua. Theo đó toàn tỉnh đã huy động hơn 176.000 tỷ đồng đầu tư vào khu vực nông thôn, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm gần 11%, còn lại là nhân dân và doanh nghiệp tham gia đóng góp.

5 năm, một chặng đường chưa phải là dài, thế nhưng có thể nói, phong trào xây dựng NTM đã tạo ra một làn gió mới thổi vào sức sống nông thôn và đang từng ngày, từng giờ đưa bộ mặt nông thôn Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì đã đạt được, bởi như đã xác định, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, nhằm tạo ra những giá trị mới về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường phù hợp với nhu cầu xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, song song với quá trình xây dựng NTM, Đồng Nai cũng đã triển khai ngay chương trình hậu NTM với mục tiêu nâng chất các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nhằm hướng đến mục tiêu “nâng về chất, mở về lượng” trong xây dựng NTM. “Dù vẫn đang trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh đã triển khai ngay chương trình hậu NTM. Tỉnh đã xây dựng xong bộ tiêu chí hậu NTM và yêu cầu các huyện, xã đã đạt chuẩn tiếp tục giữ vững và nâng dần các tiêu chí lên”, ông Phạm Minh Đạo cho biết.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Đến năm 2015, toàn tỉnh có 8 mô hình được chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 162 ha và GlobalGAP với hơn12 ha trên cây rau, chuối, bưởi, ổi, xoài, chôm chôm, mãng cầu xiêm, hồ tiêu. Đặc biệt, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước nghiên cứu thành công và áp dụng rộng rãi hệ thống tưới nước tiết kiệm và kết hợp bón phân thông qua đường ống, áp dụng được cho nhiều loại cây trên nhiều địa hình khác nhau đã góp phần giảm đáng kể về chi phí (giảm lượng nước tưới, thời gian tưới, nhiên liệu, nhân công), nâng cao năng suất và tăng hiệu quả trong sản xuất. Trong chăn nuôi đã có bước tiến bộ nhanh về sử dụng giống, gần 100% đàn heo, gà sử dụng giống mới có năng suất cao, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn thấp, đang được nuôi phổ biến trên thế giới.


Theo Dongnai.gov.vn

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)