Thúc đẩy doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 02/11/2015 13:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giải quyết các vấn đề tại nông thôn Hà Nội không chỉ cho ngoại thành mà cho chính nội thành Hà Nội. Với kết quả xây dựng Nông thôn mới (NTM) của Hà Nội hiện nay, chính quyền và nhân dân địa phương nhiều nơi đã sẵn sàng vào cuộc. Nhưng cần thúc đẩy yếu tố doanh nghiệp (DN) cùng chung tay thì chương trình NTM của Hà Nội mới đạt kết quả cao và bền vững.

Ảnh: Đỗ Hương

Hà Nội bứt phá từ xây dựng NTM

Xây dựng NTM của Hà Nội có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương và cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Điển hình như Hà Nội có số lượng các xã gấp đôi bình quân của một tỉnh và gấp 6 lần so với thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên khác biệt lớn nhất là sự phát triển không đồng đều, vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa đô thị và nông thôn.

Thực tế cho thấy, nông thôn Hà Nội còn chịu áp lực lớn về tăng dân số cơ học và sự kỳ vọng của cả nước đối với Thủ đô. Tính phức tạp không chỉ về kinh tế, mà về xã hội lớn vô cùng. Với lực lượng lao động nhập cư, bổ sung nguồn lao động có chất lượng cho Hà Nội, nhưng ngược lại tính đa dạng và phức tạp, thậm chí đẩy tệ nạn xã hội về nông thôn Hà Nội.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, cố vấn Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Xây dựng NTM, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM của Hà Nội là không nhỏ, bên cạnh mặt tích cực cũng đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết trực diện cho Hà Nội như vấn đề về lao động, việc làm cho lao động nông thôn sau thu hồi đất nông nghiệp. Mặt khác, độ chênh lệch giữa đô thị và nông thôn của các tỉnh là không lớn nhưng với Hà Nội có độ chênh lệch khá lớn.

Ông Hùng bất ngờ khi thấy Hà Nội đã vượt qua khó khăn để đạt được kết quả khả quan về xây dựng NTM. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình, thu nhập bình quân của người dân nông thôn là 16 triệu đồng/người/năm, đến nay, con số này đã nâng lên gần 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 2,89% (28.528 hộ dân).

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Hà Nội thực hiện khá bài bản, căn cơ, nhiều mặt chuyển biến rõ và rất nhanh, bởi Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương. Thuận lợi ở đây trước hết là do trình độ dân trí cao hơn. Cùng với đó, bản thân Hà Nội có nguồn thu lớn, nên khả năng lấy thành thị để hỗ trợ xây dựng NTM là khá thuận lợi.

Muốn xây dựng được tốt NTM cần làm được hai việc trước mắt đó là cải tạo và xây dựng hệ thống hạ tầng cho nông thôn tốt hơn. Cùng với đó là tạo chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông thôn, các sản phẩm do nông dân làm ra... nếu như hình thành được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, không chỉ đáp ứng được nguồn cung thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân.

“Mở đường” bằng chính sách

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho rằng, thực tế phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015 một lần nữa khẳng định vai trò rất to lớn của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh suy thoái, nhiều doanh nghiệp vẫn tham gia rất tích cực vào xây dựng NTM.

Thực tế nhiều doanh nghiệp khi chung tay xây dựng NTM không trông chờ nhiều vào các ưu đãi của nhà nước mà bản thân họ cũng nhìn thấy “lợi nhuận” bền vững từ sự chung tay tạo dựng các giá trị sống cho cộng đồng.

Nhìn nhận thực tế về thị trường tiêu thụ nông, lâm thủy sản của Hà Nội hiện nay nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu, Hà Nội hiện vẫn đang tiến hành nhiều chương trình để đẩy mạnh liên kết với các địa phương khác trong tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân.

Ông Vũ Tiến Lộc, Trưởng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, xây dựng NTM phải tập trung phát triển cả công - nông nghiệp kết hợp dịch vụ, việc xây dựng mới toàn diện. Việc các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững của nông thôn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng trực tiếp đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cao cơ sở vật chất vùng nông thôn.

Theo nhìn nhận của ông Hồ Xuân Hùng, Hà Nội đang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái nhưng phải xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp cho riêng mình. Chẳng hạn như sữa Ba Vì đã tạo được tiếng vang, hiện sản phẩm sữa Ba Vì có mặt trên thị trường ở nhiều địa phương, thậm chí, khách du lịch họ cũng biết đến thương hiệu sản phẩm sữa Ba Vì. Cách lựa chọn để xây dựng một số thương hiệu sản phẩm cũng rất quan trọng, làm sao nâng được vị thế của nông sản Thủ đô chứ không phải xây dựng cho có, rồi chẳng hiệu quả gì. Kết hợp các yếu tố này, cộng với sự chung sức xây dựng NTM của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đóng trên địa bàn, NTM của Hà Nội phải xếp ở tầng trên, chứ không phải những gì đề ra trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng Hà Nội cũng cần có những rà soát, nâng cao và quản lý các quy hoạch về đất đai, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ gắn với SX hàng hóa; công khai, minh bạch các quy hoạch, dự án đầu tư.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)