Thách thức của các xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ sáu, 30/10/2015 13:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tỉ lệ hộ nghèo sẽ là thách thức trực tiếp đối với các xã đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo 2016-2020.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết Bộ Tài chính vừa gửi đánh giá sơ bộ về việc điều chỉnh tiêu chí thu nhập theo chuẩn nghèo mới để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho ý kiến, theo tiêu chí thu nhập đó thì số hộ nghèo sẽ tăng lên.

Cụ thể, hộ nghèo ở nông thôn hiện có mức thu nhập từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống sẽ được nâng lên thành 700.000 đồng/người/tháng. Còn hộ nghèo ở khu vực thành thị sẽ được nâng từ 500.000 đồng/người/tháng lên 900.000 đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết, theo chuẩn nghèo mới về thu nhập này được áp dụng từ năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo của cả nước ta sẽ tăng lên khoảng 12%. Cộng với tỉ lệ hộ cận nghèo khoảng 6% nữa thì tổng số hộ nghèo, cận nghèo sẽ là 18%.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng với cách tính mới này (chưa kể áp dụng tiêu chuẩn đo lường nghèo đa chiều), nhiều xã đạt danh hiệu nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015 sẽ không đáp ứng được tiêu chí giảm nghèo nếu “chiếu” theo quy định về tỉ lệ hộ nghèo mới.

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội cách đây một tuần, dự kiến cuối năm nay cả nước sẽ có 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 16,8%) tổng số xã trên toàn quốc. Tất nhiên các xã này (và bao gồm nhiều xã khác đạt chuẩn về thu nhập, hộ nghèo nhưng chưa được công nhận nông thôn mới) đều đạt tiêu chí về hộ nghèo theo chuẩn nghèo cũ.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cũng thừa nhận ý kiến của ông Nguyễn Trọng Đàm và cho rằng đây là thách thức của các xã đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới hay các xã trên cả nước nói chung trong nỗ lực giảm nghèo.

“Tuy nhiên, Chương trình nông thôn mới không phải chỉ dừng lại ở năm 2015 hay năm 2020 mà sẽ tiếp tục được thực hiện lâu dài, vì lợi ích của người dân nông thôn. Không chỉ có chỉ tiêu về giảm nghèo mà các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới khác cũng sẽ có bước điều chỉnh tùy thuộc vào nhu cầu của xã hội và chúng ta phải thực hiện. Đó là thách thức, nhưng cũng là mục đích để tất cả phải phấn đấu”, ông Nam nói.

Vẫn theo ông Nam, tới hết năm 2020, cả nước sẽ tiếp tục đánh giá lại việc xây dựng nông thôn mới. Nếu các xã không phấn đấu giảm hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới hay không giữ được tiêu chuẩn của các tiêu chí khác thì sẽ không được công nhận là xã nông thôn mới nữa.

Để thu nhập của người dân nông thôn ngày một tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đang tập trung khuyến khích người dân sản xuất theo quy hoạch, đồng thời sửa đổi, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vốn, công nghệ vào khu vực này.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)