Xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Thứ sáu, 21/08/2015 14:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 20-8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và nhiều vị lãnh đạo, chuyên gia, doanh nhân tham dự.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo.

Mời tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã khái quát bức tranh nông nghiệp, nông thôn qua 30 năm đổi mới. Nhiều diễn giả nêu lên những kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn; làm rõ vai trò, vị trí, mối quan hệ của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong quá trình CNH, HĐH đất nước.

Nhiều ý kiến phân tích, đánh giá những thành tựu, kết quả và cả những hạn chế, yếu kém, những cơ hội và thách thức của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

Tham luận tại hội thảo, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh: Tăng trưởng GDP nông nghiệp chỉ đạt 2,68% năm 2012, 2,64% năm 2013 và 3,49% năm 2014. CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn là vấn đề then chốt trong giai đoạn phát triển sắp tới của Việt Nam, là yếu tố mang tính quyết định để có thể thực hiện thành công quá trình CNH, HĐH đất nước. Là một nước đi sau, Việt Nam có thể rút ngắn quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn với việc đổi mới tư duy phát triển mạnh mẽ, học tập những kinh nghiệm phát triển tốt nhất của các nước trên thế giới, áp dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại, mô hình quản lý tiên tiến, nhằm tạo ra những đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, đồng thời giải quyết tốt những “điểm nghẽn” và khắc phục những hạn chế hiện nay trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị: Cần thay đổi cách tiếp cận truyền thống trong CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, chuyển từ chỗ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị; chuyển hướng sang phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với các đặc tính như: có năng suất cao, giá trị gia tăng lớn, dựa vào kỹ thuật và công nghệ, ít gây ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần chú trọng vai trò của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và bảo quản... gắn với các công nghệ xanh và công nghệ sạch, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp; thoát ra khỏi tư duy của nền kinh tế nông nghiệp khép kín với mục tiêu chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương để hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất lớn, hoạt động theo cơ chế thị trường và đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bởi vậy, cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào doanh nghiệp và trang trại. Nền nông nghiệp quy mô lớn bắt buộc phải thu hút được các doanh nghiệp lớn; cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân để giúp tháo gỡ, xử lý những khó khăn mà tự người nông dân khó làm được, đặc biệt trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, thị trường đầu vào, áp dụng công nghệ hiện đại và những kỹ thuật canh tác mới; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp như: máy móc nông nghiệp, giống cây, giống con, phân bón…; giải quyết một số điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp và nông thôn như các vấn đề về kết cấu hạ tầng, tích tụ đất đai, phát triển nguồn nhân lực…

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn khẳng định: So với tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp còn rất yếu kém. Ngoài phân đạm, đa số thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc cơ giới nông nghiệp… vẫn chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ nước ngoài. Công nghiệp chế biến chưa phát triển hoàn chỉnh thành các cụm gắn với vùng nguyên liệu, và có giá trị gia tăng thấp. Đi kèm với đó, những yếu kém của hệ thống kho tàng, bốc dỡ, vận chuyển, thanh toán… làm cho giá thành của sản xuất cao, hao hụt nhiều, giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của nông sản. Nhìn chung, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam chưa trở thành một nền nông nghiệp hiện đại và công nghiệp.

Về chính sách tài chính đối với nông nghiệp, nông thôn, TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, đề nghị: Tăng hợp lý tỷ trọng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước và các nguồn vốn đầu tư công khác cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển dịch vụ khuyến nông, đào tạo phát triển sinh kế, nâng cao chất lượng sống của nhân dân và cộng đồng; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển nông thôn. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại, chế biến tinh, chế biến sâu; giảm dần và tiến tới hạn chế xuất khẩu nông sản thô. Tiếp tục dành nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong phát triển hạ tầng nông thôn; phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động ở nông thôn, các dự án phục vụ chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản…, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tiếp tục thực hiện ưu đãi ở mức cao về tài chính cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là đối với các dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện rà soát các khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các khoản phí, lệ phí mà người nông dân phải đóng khi được cung cấp dịch vụ công để có các chính sách phù hợp.

Hoàn thiện thể chế, tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, kinh tế nông thôn là giải pháp đột phá để tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. Nếu như trước đây việc trao quyền cho kinh tế hộ, phát triển doanh nghiệp tư nhân, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra bước đột phá cho phép khai thác tiềm năng về khoa học công nghệ và nội lực của nhân dân, thì tới đây, việc phát triển kinh tế hợp tác, phát triển kinh tế trang trại, liên kết nông dân với doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở ra động lực mới để các thành phần kinh tế phát triển khoa học công nghệ, phát triển thị trường, khai thác hiệu quả và vững bền các nguồn lực, đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng CNH-HĐH.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý làm rõ về mặt đường lối, chính sách đối với quy hoạch sản xuất nông nghiệp; mô hình sản xuất trong bối cảnh và điều kiện hiện nay; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực ở nông nghiệp, nông thôn; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển nông nghiệp và hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.


Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu tham dự.
 

Theo nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)