Công tác xây dựng NTM (nông thôn mới) trong năm 2011- 2012 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết toàn thành phố đã có 19 huyện, thị xã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, bước đầu các doanh nghiệp đã tham gia ủng hộ trên 150 tỷ đồng. Mặt khác, 202/401 xã đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2015, trong đó, huyện Từ Liêm đăng ký 100% số xã, huyện Thanh Trì đăng ký 80% số xã, huyện Gia Lâm đăng ký đạt 65% số xã.
Về tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại một số xã điểm, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đã đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí, còn 1 tiêu chí chưa đạt là cơ cấu lao động. Tại các mô hình điểm của thành phố, ở xã Song Phượng, đến nay, đã đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí, chỉ còn 2/19 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, đến nay đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học, chợ nông thôn và tiêu chí về văn hóa. Xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, đến nay, đã đạt và cơ bản đạt 14/19 tiêu chí còn 5 tiêu chí chưa đạt.
Tại 15 xã điểm của 15 huyện, thị xã, sau 1 năm thực hiện, đến nay có 7 xã đạt và cơ bản đạt 14 đến 18 tiêu chí. Đối với công tác xây dựng NTM trên địa bàn toàn thành phố, hiện toàn thành phố đã có 100% số xã trên địa bàn thành phố đã lập đề án, trong đó có 248 xã có quyết định phê duyệt đề án xây dựng NTM, 153 xã đang tiến hành khảo sát, lập đề án. Một số huyện, thị xã đã phê duyệt đề án cho 100% số xã như: Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức và Sơn Tây.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng nêu ra một số tồn tại như: tiến độ công tác lập quy hoạch ở hầu hết các huyện còn chậm so với kế hoạch; đặc biệt, công tác lập quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM chủ yếu dựa vào các đơn vị tư vấn nên hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM mới tuy đã có sáng tạo nhưng vẫn còn hạn chế, hiệu quả còn thấp, nguồn lực thực hiện xây dựng NTM chủ yếu vẫn dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đa dạng phương thức huy động nguồn lực trong nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, thời gian gần đây, Thành phố đã đưa ra một số cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó có quy định về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố trong giai đoạn 2012 - 2016. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu những chính sách để phát triển nông nghiệp, đảm bảo giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp thành phố. Bên cạnh đó, UBND thành phố sẽ giao kế hoạch và xây dựng cơ chế khen thưởng đối với các huyện mở rộng được diện tích cây vụ đông và những địa phương tận dụng sự tham gia của các ngành, đoàn thể ở thôn, xã để tham gia sản xuất phát triển cây vụ đông.
Ngoài ra, các Phó CT UBND Thành phố lưu ý trong công tác xây dựng NTM cần chú trọng công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng đường giao thông liên thôn, cân đối nguồn vốn hợp lý để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2012.
Theo Báo Xây dựng điện tử