Ngày 11-7, Đoàn khảo sát của TƯ về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) do Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý dẫn đầu đã làm việc với BCĐ Chương trình 02 TP Hà Nội về tình hình triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, sau hơn hai năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, mục tiêu phấn đấu 40% số xã đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 1 (2010-2015). Ngoài mô hình điểm của TƯ, Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng 3 mô hình điểm cấp TP và 15 mô hình điểm của các huyện. Đến nay, tại các xã làm điểm: Song Phượng (Đan Phượng), Liên Mạc (Mê Linh)… bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi. Hà Nội xác định, trong năm 2012, xây dựng NTM tập trung vào công tác quy hoạch (QH), dồn điền đổi thửa; năm 2013, 2014 tập trung vào xây dựng hạ tầng, ưu tiên hạ tầng sản xuất; đối với hạ tầng xã hội, có điều kiện đến đâu làm đến đó. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc triển khai xây dựng NTM cũng gặp phải một số khó khăn, đặc biệt trong công tác QH, huy động nguồn vốn; một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia chưa sát với thực tế của Hà Nội...
Đối với QH, theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Vũ Tuấn Định, trong Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNN&PTNT-BTN&MT quy định QH cấp dưới phải phù hợp với QH cấp trên, tuy nhiên do phải chờ Chính phủ phê QH chung Thủ đô, TP Hà Nội mới phê duyệt QH các huyện, ảnh hưởng đến tiến độ QH các xã. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện chỉ có hai đơn vị tư vấn là Viện QH xây dựng Hà Nội (Sở QH-KT) và Viện QH và kiến trúc đô thị (Đại học Xây dựng), các đơn vị tư vấn còn lại chủ yếu là tư nhân nên năng lực tư vấn hạn chế.
Theo : Báo Hà Nội Mới