Với nguồn vốn trên, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên đầu tư cho sản xuất, nhất là các vùng sản xuất tập trung, với các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...
Tỉnh đã triển khai thực hiện 17 đề án phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với 346 mô hình sản xuất có hiệu quả, chủ yếu là các mô hình trồng trọt, chăn nuôi như phát triển càphê vối bền vững, có chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C, sản xuất lúa nước với cánh đồng mẫu lớn gieo sạ đại trà bằng các giống lúa lai, nuôi cá lăng nha đuôi đỏ....
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới," đồng bào các dân tộc ở nhiều địa phương trong tỉnh tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, đất đai với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng các trục đường giao thông thôn, xóm, đường giao thông nội đồng, xây dựng lưới điện nông thôn phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và sinh hoạt...
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 2 xã: Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột và Ea Kly, huyện Krông Pắk đạt 12 tiêu chí, 11 xã đạt từ 9 đến 11 tiêu chí, 49 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí...
Ea Kao là xã vùng ven của thành phố Buôn Ma Thuột có 3.630 hộ; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Là xã thuần nông, sản xuất chủ yếu là càphê, lúa nước, nuôi cá nước ngọt, khi chưa triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2010) tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 8,87%, sản xuất còn manh mún, hệ thống giao thông thôn, buôn đi lại cực kỳ khó khăn....
Sau 2 năm thực hiện chương trình, xã đã huy động được trên 62,6 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; trong đó, đồng bào các dân tộc tự đóng góp trên 16,64 tỷ đồng. Xã đã nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nông thôn như làm mới, nâng cấp đường, trường học, chợ nông thôn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với tổ chức sản xuất chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn..
Xã phối hợp với Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang xây dựng cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên ở Tây Nguyên, với diện tích 10ha có 80 hộ đồng bào các dân tộc tham gia. Trong hai năm liền, năng suất mỗi vụ (Đông Xuân và Hè Thu) đều đạt từ 8-9 tấn thóc/ha, tăng 20% so với khi chưa thực hiện cánh đồng mẫu lớn; trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi vụ giảm 30%.
Hiện nay, xã Ea Kao cơ bản không còn hộ nghèo đói và đã đạt 10/19 tiêu chí. Xã phấn đấu đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2015./..
Theo TTXVN/Vietnam+