Sau hai năm xây dựng NTM tại 11 xã thuộc giai đoạn I, đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, xã điểm Đại Đồng đã có 15/19 tiêu chí đạt, tăng 9 tiêu chí so năm 2010; 2 tiêu chí cơ bản đạt, chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và hộ nghèo. Đánh giá về xã Đại Đồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, hiện cơ sở hạ tầng đang được đầu tư nâng cấp, sản xuất có nhiều tiến bộ, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Hiện các công trình xây dựng trên địa bàn xã như tuyến đường 419 đến Đình Hạc đầu tư gần 6 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng. Công trình nâng cấp và cải tạo đường làng ngõ xóm ở 11 thôn đầu tư hơn 5 tỷ đồng đang được triển khai. Mỗi thôn đều có nhà văn hóa, hệ thống đường giao thông nội đồng, thủy lợi được đầu tư xây dựng phục vụ tốt sản xuất.
Theo lãnh đạo xã Đại Đồng, những tuyến đường chính được nâng cấp thảm nhựa và bê tông đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương, tạo thuận lợi cho các ngành nghề phát triển. Những mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao như trồng hoa ly với giá trị 2,8 tỷ đồng/1ha trong 4 tháng; trồng khoai tây giống mới diện tích 8ha đạt giá trị từ 4,5 đến 5 triệu đồng/sào/vụ đông, cánh đồng lúa năng suất, chất lượng cao, các mô hình nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi kết hợp đang phát triển. Ngoài ra, xã đã huy động mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng NTM, DN và nhân dân đóng góp được 2,3 tỷ đồng cho xây dựng trường học, cổng làng…
Tuy nhiên theo BCĐ xây dựng NTM huyện Thạch Thất, trong triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, công tác quy hoạch còn chậm bởi có nhiều dự án lớn của trung ương và TP như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu đô thị Quốc Oai - Thạch Thất, đô thị Phúc Thọ đang triển khai nên việc xây dựng quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần làm chậm tiến độ. Kinh phí xây dựng NTM yêu cầu lớn trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của huyện, DN và người dân chưa đủ đáp ứng. Nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao, đến nay 16/18 xã đã phê duyệt được quy hoạch; 2 xã Hữu Bằng, Phú Kim đã thẩm định đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND huyện phê duyệt. Riêng 4 xã Thạch Hòa, Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình đang nằm trong quy hoạch phân khu.
Trong phát triển sản xuất, huyện đã quan tâm đưa những giống cây con có giá trị cao và từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Năm 2012, được Trung tâm Khuyến nông TP hỗ trợ kinh phí mua 48 máy làm đất các loại gồm các xã Yên Trung 33 máy, Đại Đồng 11 máy, Canh Nậu 2 máy, Bình Yên 2 máy, 2 máy cấy trạm khuyến nông và xã Hương Ngải với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng, trong đó trung tâm hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại là do dân đóng góp. Đến nay, toàn huyện đã có 241 máy làm đất, 2 máy gặt đập liên hợp, 150 máy tuốt lúa, 2 máy cấy, 14 máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Vụ mùa năm nay, huyện tổ chức gieo cấy 4.700ha lúa giống mới năng suất, chất lượng và 500ha cây màu; tổ chức mô hình trình diễn gieo sạ 10ha giống lúa mới TBR45 tại xã Cần Kiệm và 30ha tại xã Đại Đồng giống lúa VS1 và Bắc thơm số 7. Huyện đã trình diễn cơ giới hóa làm mạ khay cấy bằng máy 13ha ở xã Hương Ngải, triển khai mô hình trồng hoa lan 2.200 chậu tại Thạch Xá. Huyện đang triển khai mô hình thủy sản theo hướng an toàn sinh học diện tích 2ha tại xã Phùng Xá, mô hình thủy sản nuôi cá chép 1ha tại thôn Ngọc Lâu và thôn Minh Nghĩa; mô hình cá trắm 1ha tại thôn Thanh Câu, thôn Lại Thượng, xã Lại Thượng. Hiện Thạch Thất đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục những khó khăn, hoàn thành các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích sớm trong xây dựng NTM.
Theo Hà Nội mới