Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Thái Bình (Ảnh minh họa).
Theo đó, nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore.
Dự án được triển khai ở xã An Tân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với quy mô sử dụng đất là 333,4 ha, không bao gồm phần diện tích đê cửa sông Hữu Hóa, đê biển 8 (7,86 ha) và tuyến kênh hoàn trả (3,41 ha).
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư phân kỳ đầu tư Dự án đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Thái Bình tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2023 (Quyết định 326/TTg) và các quyết định điều chỉnh (nếu có), phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt, trong đó lưu ý việc khai thác, sử dụng hành lang đê tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều.
Vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng
Tổng vốn đầu tư của dự án là 4.932,364 tỷ đồng (tương đương 211,872 triệu đô la Mỹ), trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 739,855 tỷ đồng (tương đương 31,781 triệu đô la Mỹ).
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 33, điểm i khoản 2 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của Dự án vào phương án bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh Thái Bình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND tỉnh Thái Bình đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; sự phù hợp của Dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành; bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ quan có liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT; chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về trồng trọt, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các văn bản có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan; có giải pháp bố trí quỹ đất khác hoặc hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm, tạo điều kiện giải quyết, bố trí việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất canh tác hoặc có giải pháp khác phù hợp để đảm bảo sinh kế và ổn định cuộc sống của người dân; có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Luật Đất đai; đảm bảo sự đồng thuận của người dân trong khu vực thực hiện dự án, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện phức tạp; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 5/9/2022.
Đối với phần diện tích đất thực hiện dự án có công trình thủy lợi và phần diện tích đất thực hiện dự án có công trình giao thông: Chỉ đạo các cơ quan có liên quan, nhà đầu tư: (i) tuân thủ quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuân thủ quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; (ii) xây dựng phương án hoàn trả các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng theo quy định, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong khu vực và không giao cho Nhà đầu tư quản lý, sử dụng đối với phần đất này; (iii) rà soát, đảm bảo việc xử lý đối với công trình thủy lợi, công trình giao thông trong phạm vi thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, trong đó lưu ý có phương án xử lý trước khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án; việc xử lý tuyến đường nối đường tỉnh ĐT.461 lên đê phải đảm bảo không ảnh hưởng kết nối giao thông lên đê và công tác hộ đê thông qua tuyến đường này. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
Trường hợp trong khu vực thực hiện dự án có tài sản công, UBND tỉnh Thái Bình thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo không thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước.
Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý phải đáp ứng tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 14a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai).
Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình và các cơ quan có liên quan: Rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện Dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt, đảm bảo vị trí, quy mô diện tích của Dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó lưu ý đảm bảo thiết kế xây dựng dự án không chồng lấn với các quy hoạch khác, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, pháp luật về đê điều và quy định khác của pháp luật có liên quan; có phương án đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác có liên quan.
Nhà đầu tư phải đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu
Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore (nhà đầu tư) phải đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo đúng cam kết để thực hiện Dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP và Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Việc thành lập tổ chức kinh tế thực hiện Dự án như đề xuất của Nhà đầu tư trong hồ sơ dự án thực hiện theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư chỉ được thực hiện Dự án sau khi: (i) tỉnh Thái Bình được cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật; (ii) việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và các Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; và số 62/2019/NĐ- CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP.