Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Thứ tư, 30/08/2023 13:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Dự lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan khẩn trương triển khai các thủ tục, trình các cấp có thẩm quyền để sớm khởi công cầu Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 30/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

Cùng tham dự lễ khánh thành có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn) khoảng 3,5 km; mặt cắt ngang cầu trên toàn tuyến rộng 19,25 m. Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 9/1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy trở thành cây cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội với 8 làn ô tô (40 m).

Vượt tiến độ khoảng 4 tháng và không đội vốn

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn với nhiều hình thức đầu tư khác nhau và chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi tại lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, những cây cầu mới, bến cảng, sân bay đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, địa phương, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, con người, văn hóa, xã hội…

Đối với Hà Nội, thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Thủ tướng đánh giá đây là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của Thành phố Hà Nội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành không gian phát triển mới, chuỗi các đô thị phía bắc Thủ đô.

Dự án hoàn thành góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc Thành phố; giải quyết áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự quyết tâm, nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, thách thức của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Hà Nội, Ban quản lý và các nhà thầu, cán bộ, công chức, người lao động tham gia xây dựng công trình.

Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương việc thi công công trình vượt tiến độ khoảng 4 tháng, không đội vốn và có thể sẽ tiết kiệm được vốn sau khi quyết toán.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả cây cầu. Các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay chăm lo bảo dưỡng, bảo vệ các hạng mục công trình, bảo đảm công trình được khai thác hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng đánh giá cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là công trình đóng vai trò quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sớm khởi công cầu Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở

Thủ tướng nêu rõ, từ kết quả và ý nghĩa của công trình này càng củng cố thêm cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng.

"Không có việc gì khó, vấn đề chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả", Thủ tướng phát biểu.

Bài học kinh nghiệm khác là Trung ương mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, đồng thời, phải thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong triển khai các dự án.

Cùng với đó, cần chuẩn bị kỹ các khâu trong quá trình triển khai dự án; kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm. 

Các địa phương phải phát huy nội lực, tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng dưới sự lãnh đạo của Đảng với sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, sự vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Thủ tướng biểu dương việc thi công công trình vượt tiến độ khoảng 4 tháng, không đội vốn và có thể sẽ tiết kiệm được vốn sau khi quyết toán - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để triển khai tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, cần khẩn trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.

Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả hơn, đầu tư nhiều công sức, thời gian hơn, huy động nhiều sức mạnh tổng hợp hơn, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học, bạn bè quốc tế để làm tốt nhất công tác quy hoạch Hà Nội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, xây dựng quy hoạch bảo đảm tiến độ và chất lượng, xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hà Nội.

Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông, nhất là các nút giao thông liên quan nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông; trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên trong năm 2024, triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2025 - 2030. Các cơ quan phấn đấu sớm khởi công cầu Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao bằng khen cho các đơn vị thi công dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 4.

Theo Thủ tướng, hiện hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước, viễn thông… của Hà Nội đang có dấu hiệu quá tải. Nhiều vấn đề về môi trường, quy hoạch dân cư, giảm tải cho khu vực trung tâm cũng đang được đặt ra, nhất là trong quản lý, khai thác các dòng sông hiệu quả, xanh sạch đẹp.

Thủ tướng cũng đề nghị cần chú trọng hơn nữa tới vấn đề kỹ thuật, mỹ thuật của các cây cầu, để mỗi cây cầu vừa giải quyết vấn đề giao thông, vừa là một điểm nhấn về cảnh quan, là sản phẩm du lịch độc đáo, mang đặc trưng Hà Nội, phù hợp với điều kiện tự nhiên, góp phần phát triển du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội.

Các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức, đồng lòng để thực hiện các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông có tính kết nối, lan tỏa cao, để Hà Nội có nhiều công trình to đẹp, xứng tầm hơn nữa.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn) khoảng 3,5 km; mặt cắt ngang cầu trên toàn tuyến rộng 19,25 m - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cây cầu duy nhất do Hà Nội là chủ đầu tư

Theo UBND thành phố Hà Nội, trong quá trình triển khai dự án đã gặp rất nhiều khó khăn như công trình có điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, thi công trong đô thị, vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại của giao thông đường thủy và đường bộ; thi công trong mùa lũ, khi mực nước dâng cao phải dừng thi công và di chuyển máy móc, thiết bị thi công để tránh lũ.

Cùng với đó, dịch COVID-19 năm 2021 bùng phát trở lại, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, việc huy động nhân công, nhiên vật liệu khó khăn phần nào ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Biến động giá vật liệu xây dựng tăng, nhất là thép xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 40-50% khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn lưu động phục vụ gói thầu, dự án…

Tuy nhiên dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành uỷ, Hội đồng Nhân dân, UBND Thành phố, sự nỗ lực quyết tâm của Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công, đến nay, công trình đã hoàn thành đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh và chào mừng 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô, công trình thi công đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị.

Như vậy, đến nay kết nối hai bên bờ hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội có 8 cầu bắc qua: cầu Văn Lang (Ba Vì-Việt Trì), cầu Vĩnh Thịnh, cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 và giai đoạn 2, cầu Thanh Trì.

Các công trình cầu qua sông Hồng đã hoàn thành này chủ yếu do Bộ Giao thông vận tài làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện, chỉ có cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 hoàn thành năm 2010 trước đây và cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 do UBND thành phố Hà Nội là chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện bằng ngân sách Thành phố.

Dự án được đầu tư theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai II của thành phố Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc Thành phố. Đồng thời, cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ tổ chức lưu thông 1 chiều theo hướng từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên với 4 làn xe và tổ chức giao thông lại cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 theo hướng lưu thông 1 chiều từ quận Long Biên sang quận Hai Bà Trưng góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên tuyến.

Ông Đào Ngọc Khanh, Chủ tịch HĐQT VINACONEX cho biết, tập thể cán bộ công nhân viên liên danh VINACONEX - Trung Chính và các nhà thầu của dự án đã luôn nỗ lực cố gắng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trước những khó khăn, thách thức, liên danh VINACONEX – Trung Chính đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, tập trung nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết khi thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; áp dụng các giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động đồng bộ nhiều chủng loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất cùng hàng trăm cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đảm bảo yêu cầu thi công "3 ca, 4 kíp" không kể ngày đêm.

Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần đưa dự án hoàn thành vượt tiến độ và giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, đảm bảo chất lượng thi công, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối; khẳng định năng lực và sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn của các kỹ sư, công nhân tham gia dự án; đồng thời đem lại những bài học kinh nghiệm mang tính đột phá cho các nhà thầu trong việc tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thực hiện dự án đầu tư công.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)