Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022, toàn Thành phố thu hút 1.692 triệu USD vốn FDI, tăng 10,3% so với năm 2021.
Trung tâm trung tâm R&D Samsung tại Hà Nội hướng tới trở thành một “đại bản doanh” của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: VGP/Minh Anh
Trong đó, đăng ký cấp mới 365 dự án với số vốn đạt 233 triệu USD; có 202 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 834 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 388 lượt với số vốn đạt 625 triệu USD, tăng 83,8%.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2022, thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021; tổng số vốn đăng ký mới đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 16%; có 16,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 38%; 9,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 1,5%.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại tích cực đã góp phần quan trọng trong việc thu hút vốn FDI của Thủ đô.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền, trong những năm qua, Hà Nội luôn nằm trong top đầu cả nước về môi trường đầu tư thuận lợi. Bên cạnh việc thúc đẩy hạ tầng các khu công nghiệp, các chính sách thu hút đầu tư cũng được Thành phố thường xuyên triển khai như cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, đất đai... Qua đó, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhiều nước đến Thành phố.
Mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, TP. Hà Nội định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.
Thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn.