Sau 25 năm tái lập tỉnh, đến nay 100% diện tích đất tự nhiên trong tỉnh được phủ kín quy hoạch xây dựng, trong đó khu vực đô thị lõi được quy hoạch với quy mô đô thị loại I. Ngoài ra, các địa phương trong toàn tỉnh còn huy động được lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị theo hướng nâng cao chất lượng phát triển bền vững. Để tiếp tục xây dựng hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, đáp ứng mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, tỉnh coi trọng giải pháp về quy hoạch, đầu tư; chính sách, tài chính và gắn xây dựng đô thị với phát triển công nghiệp, dịch vụ…
Hiện tại, các đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ, tỉ lệ đô thị hóa năm 2021 đạt 38% (nếu tính cả dân số tại khu vực nội thị của đô thị loại IV được Bộ Xây dựng công nhận tỉ lệ này đạt 50%). Toàn tỉnh có một đô thị loại I là thành phố Bắc Ninh, 1 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 2 đô thị loại IV (Thuận Thành và Quế Võ), 5 đô thị loại V (Lim, Chờ, Thứa, Gia Bình, Nhân Thắng). Về quan điểm phát triển, tỉnh linh hoạt thực hiện cùng lúc 3 chương trình lớn: Các chương trình phát triển đô thị; phát triển công nghiệp và xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, bảo đảm gắn kết chặt chẽ trong quá trình triển khai theo mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, giai đoạn đầu phát triển hệ thống đô thị theo hướng tăng về số lượng và giảm trong tương lai để mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Để đạt mục tiêu Bắc Ninh là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, từ nay đến trước năm 2030 tỉnh cần từng bước nâng cấp 12 đô thị gồm: Từ Sơn lên đô thị loại II; 4 đô thị Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong và Tiên Du đạt loại III; giữ nguyên 2 đô thị loại V là Gia Bình và Thứa; thành lập 4 đô thị loại V (Trung Kênh, Lâm Thao, Nhân Thắng và Cao Đức) để tạo thành chuỗi đô thị đa trung tâm, trong đó chuỗi đô thị Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh là trọng tâm. Mỗi đô thị có các chức năng đặc trưng bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, dịch vụ, công nghiệp, logistics, nông nghiệp công nghệ cao… được đồng bộ và phù hợp. Đây cũng là lộ trình nâng loại đô thị và chương trình phát triển đô thị Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi toàn tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương thì số đô thị được giảm từ 12 xuống còn 8 đô thị trong đó đô thị lõi (loại I) thuộc phạm vi hành chính 5 đơn vị cấp huyện phía bắc sông Đuống, 1đô thị loại III (Thuận Thành) và 6 đô thị loại V (Gia Bình, Thứa, Trung Kênh, Lâm Thao, Nhân Thắng và Cao Đức).
Thành phố Bắc Ninh được quy hoạch, xây dựng hiện đại, phấn đấu là trung tâm của vùng đô thị lõi.
Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành chức năng đề xuất các giải pháp, trong đó tập trung vào nhóm giải pháp về chính sách, tài chính; quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng; xây dựng tỉnh với trọng tâm phát triển kinh tế, công nghiệp có các chức năng cấp Vùng Thủ đô, cấp quốc gia, quốc tế… Cụ thể, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho các dự án hạ tầng thiết yếu, làm “vốn mồi” kích thích nguồn vốn tư nhân vào đầu tư. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý đô thị theo quy hoạch. Xây dựng đô thị gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử; đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gắn kết với các hành lang kinh tế… Phát triển các khu đô thị quy mô lớn và vừa, gắn với các công trình cấp đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cấp quận như: Thương mại dịch vụ, trung tâm khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, logistic, thể dục - thể thao, du lịch, văn hoá, vui chơi giải trí… Hình thành các khu đô thị có quy mô nhỏ và vừa có chức năng ở gắn với các công trình hạ tầng đồng bộ để khắc phục các tiêu chí còn thiếu và yếu cấp quận, cấp thị xã và cấp phường.
Cùng với đó là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị và nông thôn, chú trọng phát triển thiết chế văn hóa công nhân các KCN; tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển các KCN - đô thị… Tiếp tục, nâng cấp, mở rộng và xây mới các bệnh viện theo quy hoạch; thu hút xã hội hóa đầu tư đầu tư cơ sở y tế ngoài công lập. Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khác theo quy hoạch đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân… Về chính sách, tăng cường quản lý của chính quyền đô thị gồm: Xây dựng đề án mô hình “Chính quyền đô thị”; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong quản lý, thực hiện và giám sát quy hoạch theo hướng hiện đại, đồng bộ.