Ngày 25/7, Nhà máy Đốt rác phát điện Sóc Sơn (Hà Nội) do Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý làm chủ đầu tư đã chính thức vận hành hòa vào lưới điện quốc gia.
Quy trình xử lý rác để phát điện đều được tự động hoá. Ảnh: Trung Nguyên-TTXVN
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Tổng giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á của Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý thông tin, từ nay đến hết tháng 9/2022, nhà máy sẽ thực hiện vận hành 1 lò đốt có công suất thiết kế đốt 800 tấn rác/ngày.
Kế hoạch này nằm trong chương trình thử nghiệm của nhà máy, song được sự đồng ý cấp phép của cấp có thẩm quyền, cho phép nhà máy đốt rác phát điện hòa vào lưới điện quốc gia với công suất phát điện từ việc đốt rác là 15 MW.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý, nhà máy có quy mô 5 tổ hợp lò đốt. Ở giai đoạn 1, nhà máy mới đưa vào vận hành 1 lò đốt. Hiện nay, phía công ty đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành giai đoạn 2 với 2 lò đốt và giai đoạn 3 là 2 lò đốt nữa. Dự kiến, các lò đốt kể trên sẽ tiếp tục vận hành trong năm 2022.
Dự án Nhà máy Đốt rác phát điện Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Việc Nhà máy Đốt rác phát điện Sóc Sơn hòa lưới điện quốc gia được cho là dấu mốc quan trọng vì sau nhiều lần lỗi hẹn tiến độ đốt rác phát điện.
Năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng và vận hành Nhà máy Đốt rác phát điện Sóc Sơn.
Tổng công suất của nhà máy là xử lý 4.000 tấn rác/ngày theo phương thức đốt phát điện. Tháng 9/2019, Nhà máy đã được cấp Giấy phép xây dựng để chính thức khởi công xây dựng.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội đang phát sinh từ 6.500 - 7.000 tấn rác. Tuy nhiên, một số khu xử lý rác như: Xuân Sơn (Sơn Tây – Ba Vì), Nam Sơn (Sóc Sơn) đang trong tình trạng quá tải. Dẫn tới, tháng 5 và tháng 6 năm nay, rác thải đã nhiều lần ùn ứ tại trung tâm thành phố do 2 khu xử lý rác thải kể trên gặp sự cố.
Theo quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn 2050, tại Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải. Tuy nhiên, nhiều khu xử lý rác đang bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng.