Với mục đích giúp người dân ổn định chỗ ở trong thời gian di dời để thực hiện các dự án, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà tạm cư. Tuy nhiên, quỹ nhà tạm cư còn quá ít, trong khi chất lượng, công tác quản lý, vận hành còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân và tiến độ thực hiện các dự án.
Khu nhà tạm cư tại Khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai).
Thực hiện kế hoạch di dời người dân khỏi các nhà nguy hiểm trên địa bàn quận Ba Đình, từ năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã bàn giao hơn 160 căn hộ tạm cư tại Khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy), phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và nhà CT1 Khu đô thị Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) cho Ủy ban nhân dân quận Ba Đình. Đến nay, quận Ba Đình đã bàn giao hơn 100 căn hộ tạm cư cho người dân tại Khu đô thị Yên Hòa và Khu đô thị Thành phố giao lưu; đồng thời có kế hoạch bố trí quỹ nhà tạm cư còn lại cho các hộ dân. Nhưng do các căn hộ này đã lâu không sử dụng, cho nên một số hạng mục hư hỏng khiến người dân lo lắng, chưa nhận nhà.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, ngoài các chung cư nguy hiểm cần di dời khẩn cấp để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, trên địa bàn quận còn nhiều chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đồng bộ trong thời gian tới, cho nên cần quỹ nhà tạm cư rất lớn. Phần lớn quỹ nhà tạm cư hiện nay là chung cư tái định cư, được xây dựng đã lâu, lại không được bảo trì thường xuyên, sửa chữa kịp thời các hư hỏng, cho nên xuống cấp, khiến người dân không yên tâm khi nhận nhà, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
Khu nhà CT1A, CT1B Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai được bố trí tạm cư cho những hộ dân sống tại biệt thự số 107 phố Trần Hưng Đạo bị sập năm 2015, hiện cũng bị xuống cấp. Chị Nguyễn Thị Hà, người dân sinh sống tại đây cho biết, được thành phố bố trí nhà tạm cư để ổn định cuộc sống là điều mơ ước đối với các hộ dân. Các căn hộ được xây dựng khép kín, rộng rãi, khác hẳn với điều kiện sinh hoạt chật chội tại nơi ở cũ. Tuy nhiên, các hạng mục chung của tòa nhà như cầu thang máy, bóng điện thắp sáng bị hỏng thì rất chậm được sửa chữa, khắc phục.
Khu vực bên ngoài tòa nhà nhếch nhác, không được dọn dẹp thường xuyên, gây mất mỹ quan khu đô thị. Chưa kể, tòa nhà xa trung tâm, không thuận lợi cho việc sinh hoạt của người dân. Đường vào khu đô thị chật hẹp, thường xuyên ùn tắc giao thông khiến việc đi lại rất khó khăn... Đây có thể là những hạn chế khiến tòa nhà tạm cư dù đưa vào hoạt động nhiều năm, nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 20 căn hộ bị bỏ trống.
Tình trạng nhà tạm cư xuống cấp cũng xảy ra tại nhà A1, A2 Phú Thượng (quận Tây Hồ), được đưa vào sử dụng từ năm 2006. Sau thời gian dài sử dụng, lớp sơn bên ngoài tòa nhà bị bong tróc, ẩm mốc. Tại khu nhà để xe, nhiều mảng tường đã bong tróc. Theo người dân sinh sống tại đây, mỗi khi mưa lớn, khu vực nhà xe thường xuyên xảy ra thấm dột. Nước mưa chảy lênh láng.
Theo đại diện đơn vị quản lý nhà tạm cư, người dân sinh sống tại nhà tạm cư không phải trả tiền thuê nhà hằng tháng và nguồn kinh phí bảo trì tòa nhà cũng do ngân sách thành phố cấp, cho nên việc bảo trì, sửa chữa các hạng mục của tòa nhà phải thực hiện theo kế hoạch. Nhiều hư hỏng không được sửa chữa, khắc phục kịp thời, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.
Rõ ràng, chủ trương đầu tư xây dựng quỹ nhà tạm cư phục vụ người dân của thành phố Hà Nội đã góp phần giải quyết khó khăn chỗ ở cho người dân. Trong thời gian tới, khi thành phố triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án, nhất là thực hiện kế hoạch cải tạo chung cư cũ, tái thiết đô thị, thì quỹ nhà tạm cư đòi hỏi ngày càng nhiều.
Vì thế, bên cạnh việc thành phố nâng cao chất lượng nhà tạm cư, đầu tư xây mới nhà tạm cư phục vụ giải phóng mặt bằng, cần gắn việc bố trí chỗ ở cho người dân, gồm nhà tạm cư, tái định cư ngay từ quy hoạch chi tiết. Quá trình lựa chọn các nhà đầu tư có thể xem xét, ưu tiên những đơn vị có quỹ nhà tạm cư; đồng thời mở rộng và khuyến khích việc tạm cư, tái định cư bằng tiền để người dân chủ động bố trí chỗ ở, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.