Xử lý chất thải đô thị - Những chuyển biến tích cực

Thứ tư, 12/01/2022 13:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sự vào cuộc tích cực của tỉnh và các địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp đã giúp môi trường đô thị Quảng Ninh những năm qua được cải thiện đáng kể.

Nhà máy xử lý nước thải Hà Khánh công suất 6.000m3/ngày đêm. Ảnh: Lê Nam

TP Hạ Long có số lượng dân cư tập trung đông, lượng nước thải sinh hoạt đô thị khoảng 31.720m3/ngày đêm. Từ nhiều năm nay, thành phố đã đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Thành phố hiện có 5 trạm xử lý nước thải được đưa vào sử dụng, tổng công suất 14.276m3/ngày đêm; qua đó xử lý được khoảng 45% lượng nước thải sinh hoạt khi xả vào nguồn tiếp nhận chung. Thành phố đang triển khai giai đoạn II dự án thoát nước và xử lý nước thải với tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ giúp thành phố xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn.

TP Móng Cái cũng đang triển khai dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố thuộc Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 2 - tỉnh Quảng Ninh, sử dụng vốn vay ADB, tổng mức đầu tư 861 tỷ đồng.

Các huyện, thị xã, thành phố khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới như: Khu đô thị, KCN, chung cư, công trình công cộng tại nơi chưa có mạng lưới thu gom xử lý nước thải tập trung, đều bắt buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường hoặc thực hiện đấu nối với hệ thống thoát nước thải tập trung của đô thị... Các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, qua đó đảm bảo chất lượng nước xả thải ra môi trường theo quy định.

Các điểm thu gom rác tập trung ở TP Hạ Long được thu dọn hằng ngày. Trong ảnh: Điểm thu gom rác tập trung tại khu 6 (phường Hồng Hà).

Bên cạnh xử lý nước thải thì xử lý chất thải rắn khu vực đô thị cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Theo thống kê của Sở TN&MT, mỗi ngày, các đô thị trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1.397 tấn chất thải rắn sinh hoạt thông thường; khoảng 9,5 triệu tấn chất thải nguy hại từ hoạt động khai hác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, y tế..., ảnh hưởng tới môi trường đô thị.

Trước tình hình đó, tỉnh đã quy hoạch cơ sở xử lý chất thải rắn các vùng, kêu gọi, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải bằng phương pháp đốt trên địa bàn. Hiện đã có khu xử lý cấp vùng bằng phương pháp đốt tại thôn Khe Giang (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí), xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái), xã Tràng Lương (TX Đông Triều) và khu xử lý chất thải rắn tại thôn Trường Xuân (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) đã hoàn thành đầu tư, đưa vào vận hành sử dụng. Một số cơ sở xử lý chất thải rắn khác đang được đầu tư và hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trên địa bàn tỉnh còn 5 khu chôn lấp rác đang tiếp nhận rác thải sinh hoạt hằng ngày... Qua đó đảm bảo cơ bản giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương, nhất là các khu đô thị trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhà máy xử lý rác thải Đông Triều tại xã Tràng Lương, đưa vào hoạt động từ 15/7/2021. Ảnh: Việt Hưng

Các doanh nghiệp cũng chủ động các phương án thu gom, xử lý chất thải, trong đó có chất thải nguy hại. 95% số chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh đã được chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xử lý để xử lý theo quy định; số còn lại được lưu giữ tại kho của các đơn vị. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có hoạt động xả thải ra môi trường đầu tư hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, truyền số liệu về Sở TN&MT quản lý, giám sát. Qua đó giúp kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn, chất lượng không khí, trong đó có môi trường khu vực đô thị, cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường. Hiện có 19 trạm quan trắc được xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước, 128 trạm là các doanh nghiệp đầu tư.

Về việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư đã được các địa phương tích cực thực hiện. Qua rà soát của các địa phương, có 2.361 cơ sở phải di dời. Đến nay, 11/13 địa phương đã xây dựng kế hoạch di dời, 2 địa phương còn lại (TX Quảng Yên, huyện Tiên Yên) đang triển khai xây dựng kế hoạch; trong đó TP Cẩm Phả đã giải ngân hỗ trợ di dời cho 8 cơ sở, tổng kinh phí trên 2,707 tỷ đồng.

Nhờ đó chất lượng môi trường ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể. Theo kết quả quan trắc môi trường định kỳ do Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh thực hiện, hầu hết các thông số quan trắc nằm trong giới hạn cho phép; khu vực trung tâm một số huyện, thị xã trong tỉnh có chất lượng môi trường không khí tương đối tốt, đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam.

Nguồn: Quangninh.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)