Bình Dương: Nỗ lực phát triển các khu công nghiệp chất lượng cao

Thứ tư, 26/05/2021 14:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Việc xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương luôn được tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp lớn của cả nước. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu làn sóng đầu tư mới.

Tính đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN, trong đó, nhiều KCN đã trở thành “thương hiệu”, thu hút nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Trong ảnh: Hạ tầng VSIP I được đầu tư đồng bộ, hiện đại

Xây dựng KCN gắn với đô thị hóa

Đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Hiện tỉnh có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 11.000ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam. Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Toàn tỉnh hiện có 31 KCN với tổng diện tích 12.721ha, trong đó có 29 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Hiện các KCN đã thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung.

Để ngành công nghiệp của tỉnh phát triển căn cơ theo hướng nhanh và bền vững, hiện tỉnh đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung thu hút vào các KCN, cụm công nghiệp được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nghiên cứu hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam và xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư trong KCN đang gia tăng, việc xây dựng các KCN chất lượng cao là cần thiết. Nhằm tạo chuỗi cung ứng thuận lợi cho các doanh nghiệp, mới đây Ban Quản lý các khu chế xuất - KCN - khu kinh tế các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đã ký thỏa thuận hợp tác với Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, hình thành mạng lưới tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phục vụ các nhà đầu tư trong vùng.

Tập trung đầu tư chất lượng cao

Trong những năm gần đây, khi quỹ đất công nghiệp tại các khu vực Dĩ An, Thuận An đã gần như cạn kiệt, tỉnh đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn tại các khu vực còn nhiều diện tích trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía Bắc với các KCN làm đòn bẩy của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh. Trong đó, quỹ đất dành để phát triển KCN tại huyện Bàu Bàng có 1.000ha, huyện Bắc Tân Uyên có 215ha, TX.Tân Uyên có 1.630ha, TX.Bến Cát có 3.200ha và TP.Thủ Dầu Một có 765ha.

Thời gian tới, tỉnh chú trọng thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao nên đã quy hoạch phát triển KCN Khoa học công nghệ trên địa bàn huyện Bàu Bàng. Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết huyện sẽ mở rộng KCN Bàu Bàng với diện tích 1.000ha để thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Nhờ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, huyện Bàu Bàng ngày càng có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lớn. Ngoài KCN - đô thị Bàu Bàng, huyện còn có KCN Tân Bình, KCN Lai Hưng và Cây Trường cũng đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các DN đến mở nhà máy.

Theo ông Bùi Minh Trí, tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN. Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN, các DN tại tất cả các KCN của tỉnh vẫn giữ được nhịp sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

 Bình Dương lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Bình Dương đã tạo được quỹ “đất sạch” rộng lớn để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong con mắt nhà đầu tư. Tính đến nay, Bình Dương có 29 KCN đi vào hoạt động, trong đó, nhiều KCN đã trở thành “thương hiệu”, thu hút nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Từ đó, Bình Dương đã nhân rộng, chia sẻ mô hình quản lý vận hành KCN ra rất nhiều tỉnh thành bạn.

Nguồn: Báo Bình Dương

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)