Ảnh minh họa
Ngày nay, nhiều thành phố trên thế giới thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp cần nhiều tài nguyên thiên nhiên, dễ có tác động xấu tới môi trường, đã dần hướng tới nền công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của họ là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo không chỉ có ở tầng lớp nghệ sĩ, kỹ sư, doanh nhân hay những người đang làm công việc trí óc, mà sự sáng tạo tồn tại ở tất cả mọi người. Như vậy, muốn trở thành thành phố sáng tạo thì không thể chỉ ưu tiên tầng lớp sáng tạo, mà phải biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, để từ đó xây dựng bản sắc riêng biệt và độc đáo.
Di sản văn hóa chính là nền tảng, thế mạnh của Thủ đô
Trải qua quá trình nghìn năm văn hiến, Hà Nội có một kho tàng di sản văn hóa to lớn, đặc sắc và độc đáo. Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, độc đáo, có thế mạnh ở nhiều lĩnh vực sáng tạo nhưng Hà Nội quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo bởi đây là lĩnh vực có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, thể hiện được tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong phát huy sức sáng tạo.
Đối với Hà Nội, lĩnh vực thiết kế không chỉ có bề dày hình thành, phát triển mà còn là sự giao thoa sáng tạo giữa phong cách văn hóa phương Tây và phương Đông, giữa văn hóa bản địa và văn minh thế giới. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới, được UNESCO công nhận năm 2010. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử, trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX, xuyên suốt các triều đại phong kiến Việt Nam: Lý, Trần, Mạc, Lê và Nguyễn. Hoàng thành Thăng Long là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình kinh thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.
Bên cạnh Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội còn có rất nhiều di sản văn hóa có kiến trúc độc đáo, đầy chất “sáng tạo” như: Đoan Môn; Kỳ đài “Cột cờ Hà Nội”, Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Bắc Bộ Phủ, Khu phố Pháp, Khu phố cổ Hà Nội… Như vậy, có thể nói di sản văn hóa chính là nền tảng, thế mạnh của Hà Nội trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo giúp Hà Nội gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo, đồng thời cũng là nền tảng, thế mạnh giúp Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển Thủ đô bền vững.
Ngày nay, sự đa dạng, phong phú trong thiết kế sáng tạo vẫn hiện diện trong nhiều công trình kiến trúc đương đại, đây cũng chính là minh chứng cho thấy thiết kế sáng tạo là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc của Hà Nội trong lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.
Mảnh đất ươm mầm sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp
Không chỉ sở hữu nhiều di sản văn hóa, Hà Nội còn là mảnh đất ươm mầm sáng tạo, nuôi dưỡng những ước mơ khởi nghiệp, đổi mới. Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh, triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo góp phần hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hiện nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art, dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Bên cạnh đó, Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh xây dựng trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh, quỹ văn hóa… nhằm khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.
Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là bước đột phá mới trong xây dựng thương hiệu mới cho Thủ đô, phù hợp với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước. Có thể thấy, thương hiệu “thành phố sáng tạo” thể hiện chiến lược và định hướng phát triển của Hà Nội.
Như vậy, thương hiệu “thành phố sáng tạo” về thiết kế sẽ là đòn bẩy lớn để Hà Nội thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô, là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ nêu trên, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là: Quá trình đô thị hóa tăng nhanh cũng như sự gia tăng dân số quá cao đã và đang gây áp lực lớn cho việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quy hoạch kiến trúc đô thị; thiếu cơ chế phối hợp giữa các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cơ chế, chính sách phát triển các không gian sáng tạo chưa phù hợp, hầu hết các không gian sáng tạo là của tư nhân.
Do là mô hình kinh doanh mới nên hầu hết các không gian sáng tạo chưa được hưởng ưu đãi của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành. Gần như tất cả các không gian sáng tạo được vận hành theo cơ chế của một doanh nghiệp cho dù các không gian sáng tạo hình thành trên cơ sở hướng tới cộng đồng, kinh doanh theo tính chất mạo hiểm cao.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử; các di sản văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Việc phân cấp quản lý di tích còn nhiều yếu kém, tình trạng trùng tu sai nguyên gốc còn diễn ra khá phổ biến, nhiều di tích đang bị xuống cấp nhưng thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền, huy động nguồn vốn còn nhiều khó khăn…. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ liên quan đến thiết kế sáng tạo còn lạc hậu so với trình độ phát triển của nhiều nước trên thế giới. Tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra. Thị trường thiết kế sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô…
Chuyển hóa các “nguồn lực văn hóa” thành “sức mạnh
Chúng ta cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân Thủ đô về phát triển thương hiệu “thành phố sáng tạo”. Đặc biệt là vai trò, ý nghĩa của sáng tạo, phát triển không gian sáng tạo, ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển Thủ đô trên nền tảng chuyển hóa các “nguồn lực văn hóa” thành “sức mạnh”. Từ đó, lồng ghép sáng tạo trong tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành.
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều không gian sáng tạo được hình thành ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhưng rất ít không gian sáng tạo tồn tại được đến 5 năm. Do còn mới mẻ nên tính “chính danh” của không gian sáng tạo vẫn là một vấn đề, vì hệ thống pháp lý hiện nay chưa có quy định về hoạt động của không gian sáng tạo. Dù xã hội đã có những bước phát triển lớn trong nhận thức cũng như thực tế về văn hóa, với những mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa, tuy nhiên một thành tố quan trọng trong công nghiệp văn hóa như không gian sáng tạo vẫn chưa được chú ý đúng mức, thậm chí rất ít khi được đề cập. Ngành văn hóa và các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, sớm ban hành các chính sách đặc thù để khuyến khích, phát triển các không gian sáng tạo. Ðiều này không chỉ giúp các không gian sáng tạo phát triển một cách bền vững, đúng hướng mà còn có thể đem lại nhiều lợi ích văn hóa - xã hội, tạo điều kiện để nghệ sĩ, nhà thiết kế phát huy tài năng của mình.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa. Chú trọng tới đối tượng thanh thiếu niên, triển khai có hiệu quả khẩu hiệu “Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ” của UNESCO. Tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý di sản trong nước, quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu về bảo tồn di sản, chú trọng các biện pháp bảo tồn di sản sống, bảo tồn gắn với cộng đồng dân cư bản địa và hài hòa với mục tiêu phát triển kinh tế. Đẩy mạnh các biện pháp huy động nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong quá trình thực hiện khai thác di sản như một tài nguyên du lịch cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, xã hội) và việc bảo vệ, giữ gìn yếu tố gốc làm nên giá trị cốt lõi của di sản. Phát huy lợi ích khi thực hiện gắn kết các di sản với hoạt động du lịch trên nguyên tắc: coi di sản văn hóa là tài nguyên du lịch thì phải bảo vệ, giữ gìn để di sản là tài nguyên bền vững, có giá trị sử dụng vĩnh viễn. Do vậy, cần sử dụng hợp lý nguồn lợi nhuận từ du lịch để bảo vệ di sản.
Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển sẽ giúp Hà Nội trở thành một đô thị độc đáo, có bản sắc riêng, có tính cạnh tranh riêng biệt so với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, phát huy các giá trị di sản còn là nền tảng để tạo nguồn cảm hứng sáng tạo các lĩnh vực sáng tạo khác như: thiết kế hội hoạ, thời trang… Đặc biệt, tạo cơ hội để thu hút các hoạt động hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế-xã hội.
Một nhiệm vụ cần quan tâm nữa là đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh; tăng tỉ lệ các dịch vụ công trực tuyến; tập trung phát triển khoa học-công nghệ.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh, sớm hình thành, phát triển không gian đô thị một cách tổng thể, bảo đảm kết nối hạ tầng giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh để tạo sự liên kết, phát triển hài hòa, đồng bộ mọi lĩnh vực.