Để vượt khó qua thời điểm dịch COVID-19, nhiều chủ đầu tư lớn đã xem xét tới việc rà soát các dự án bất động sản (BĐS) để tối ưu chi phí quản lý vận hành; tích hợp công nghệ 4.0 nhằm tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt cho dự án bất động sản.
Nhận định về xu hướng áp dụng công nghệ trong ngành BĐS sau làn sóng COVID-19 lần hai, theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, một trong những giải pháp để giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển trong thời gian tới là rà soát lại các dự án, hoàn thiện hóa hệ sinh thái của dự án với sự tham gia của yếu tố công nghệ.
Ứng dụng công nghệ 4.0 ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực, trong đó có BĐS (Ảnh: batdongsan.com.vn)
Bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, người mua cần tìm kiếm các dòng sản phẩm mới tích hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, đảm bảo thuận lợi và đặc biệt coi trọng tính an toàn. Đây là nhu cầu khiến rất nhiều chủ đầu tư lớn xem xét áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành BĐS và các dịch vụ tích hợp công nghệ, song song với hoạt động chào bán các sản phẩm BĐS. Các chủ đầu tư lớn có điều kiện, chi phí đầu tư nhiều, làm ra các sản phẩm bài bản, sẽ tạo được sự khác biệt trong tương lai. Với các chủ đầu tư có quy mô và năng lực vừa phải hơn, thì nên tính đến việc tích hợp công nghệ 4.0 ở mức có thể để tăng sức cạnh tranh cho các dự án BĐS.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, để có thể tồn tại thì yêu cầu các doanh nghiệp BĐS nói chung và sàn giao dịch nói riêng cần phải tiếp tục xây dựng chiến lược tái cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho đơn vị của mình. "Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, những sàn giao dịch có tiềm lực tài chính đã khởi động lại, hoạt động với kế hoạch kinh doanh và phương thức kinh doanh mới, như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn" - ông Đính chia sẻ.
Cùng quan điểm, bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận quản lý BĐS Savills Hà Nội cho rằng, nguồn cung lớn với thị trường đầy tiềm năng này là cơ hội phát triển cho các đơn vị quản lý bất động sản, tuy nhiên, cách khai thác hiệu quả thực sự không hề đơn giản. “Tại Việt Nam, hiện nay, các chủ đầu tư cũng đang có xu hướng lựa chọn các đơn vị quản lý chuyên nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại” - bà Kiều Hạnh chỉ rõ.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, các sàn giao dịch cần phải quan tâm đến hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp đội ngũ nhân viên môi giới; đồng thời đối với cá nhân làm nghề môi giới cần hoàn thiện kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng nghề nghiệp, giá trị bản thân.
Về hiệu quả của việc áp dụng công nghệ trong quản lý vận hành, bà Kiều Hạnh lý giải: “Với tình hình hiện nay, việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ hầu như rất khó thực hiện, trong khi các chi phí vận hành như tiền lượng, tiền điện…, đã được Nhà nước điều chỉnh tăng vài lần kể từ năm 2015 đến nay, do đó các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp đang đứng trước áp lực về chi phí. Việc doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành giúp tăng hiệu quả trong công tác quản lý, và đặc biệt tinh giản bộ máy, tối ưu hóa chi phí vận hành tòa nhà”.
“Yếu tố công nghệ vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị quản lý cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo nên lợi thế cạnh tranh với các đơn vị vẫn giữ nguyên phương thức vận hành truyền thống. Sự thay đổi có yếu tố công nghệ sẽ thu hút những người trẻ tham gia vào lĩnh vực ngành nghề mới này, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trên thị trường. Đặc biệt, công nghệ sẽ là xu hướng tất yếu và quyết định sự phát triển lâu dài của ngành BĐS tại Việt Nam” - bà Kiều Hạnh nói.