Nhẹ, chống thấm tốt, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tình trạng mất đất sản xuất… là những ưu điểm của gạch không nung so với gạch nung truyền thống. Nhưng vì giá công nghệ nhập khẩu quá đắt, hiện không nhiều doanh nghiệp chấp nhận rủi ro đầu tư sản xuất. Đứng trước thực trạng đó, một nhóm kỹ sư cơ khí tại TPHCM đã hợp tác nghiên cứu, cho ra đời dây chuyền sản xuất gạch không nung có giá thành rẻ hơn 30% so với hàng nhập ngoại.
Dây chuyền sản xuất có tên LA block – brick, nằm trong Dự án Hoàn thiện công nghệ, thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất gạch block không nung do Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga chi nhánh phía Nam (Bộ Quốc phòng) và Công ty TNHH Phan Lâm Anh (quận Thủ Đức, TPHCM) là chủ đầu tư. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 2,4 tỷ đồng. Trong đó, Sở KH-CN TPHCM đối ứng 30% kinh phí. Nói về sự ra đời của dự án, KS Phan Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Phan Lâm Anh, chia sẻ, dự án được thực hiện trên kết quả nghiên cứu giải mã công nghệ của công ty cách đây hơn 5 năm. Khi đó, một số công ty đã nhập khẩu máy sản xuất gạch không nung từ Hàn Quốc với giá hàng tỷ đồng nhưng chạy một thời gian ngắn thì hư hỏng. Để thuê kỹ sư nước ngoài về sửa phải tốn rất nhiều kinh phí. Các kỹ sư của công ty đã xin tiếp cận và từng bước chế tạo thử.
Khi sản phẩm LA block – brick hoàn thành (tháng 6-2013) đã khắc phục được các nhược điểm của thế hệ đi trước. Đặc biệt, các khuôn ép được thiết kế khá linh động, dễ dàng thay đổi tùy theo nhu cầu mẫu mã và kích thước viên gạch. Khi gặp sự cố có thể sửa chữa ngay lập tức nhờ phụ tùng có sẵn… Gạch được sản xuất theo công nghệ tự động đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6477: 2011: đạt cường độ 100 - 200kg/cm2, gạch tự chèn cho các công trình đặc biệt đạt cường độ 500 kg/cm2. Ngoài ra, sản phẩm đều dẫn nhiệt thấp, chống cháy tốt, tỷ khối đồng đều trong toàn thể tích viên gạch…
Sau 3 tháng ra mắt thị trường, LA block - brick đã được thị trường đón nhận. Đến nay đã chuyển giao được hơn 20 dây chuyền sản xuất với tổng giá trị gần 6 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dây chuyền xuất khẩu sang thị trường Campuchia.
Theo Sài gòn giải phóng