Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 12/2024
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 1/12/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm; tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực...
Chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 127/CĐ-TTg ngày 05/12/2024 chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại địa phương.
Công điện yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tăng cường hướng dẫn, đào tạo, tập huấn để các địa phương triển khai thực hiện đúng các quy định pháp luật trong công tác cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy SC), giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy CC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác.
Kịp thời chấn chỉnh các hiện tượng cấp giấy SC, giấy CC đối với sản phẩm thủy sản khai thác chưa đúng với quy định pháp luật hiện hành hoặc cố tình hiểu sai, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ, tài liệu không được quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gây khó khăn trong việc cấp giấy SC, giấy CC phục vụ xuất khẩu thủy sản...
Chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 8/12/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Trong đó, Công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để xảy ra bị động, bất ngờ...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 9/12/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện. Chỉ đạo cơ quan thuế các cấp chủ động phối hợp cơ quan công an và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai công tác kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là các cửa hàng vẫn còn sử dụng máy POS/máy tính bảng/điện thoại có cài đặt phần mềm để thực hiện lập hóa đơn điện tử khi bán hàng, đảm bảo việc thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ...
Thủ tướng Chính phủ đôn đốc triển khai các dự án nhà ở xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Theo Công điện, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và bảo đảm nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính ngay từ khâu xây dựng văn bản
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 131/CĐ-TTg ngày 11/12/2024 về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản QPPL theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hoá TTHC, quy định kinh doanh và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện 132/CĐ-TTg ngày 12/12/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải trọng, "cơi nới" thành thùng xe...); đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của xe mô tô kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa thông qua ứng dụng gọi xe trên mạng, xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý ứng dụng kết nối công nghệ khi có nhiều phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông...
Đẩy mạnh các giải pháp triển khai Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 14/12/2024 về việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành nằm trong định hướng cơ cấu, sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy chủ động nghiên cứu phương án hợp nhất và nâng cấp các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành mình, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm kế thừa các kết quả đã triển khai, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp...
Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 134/CĐ-TTg ngày 14/12/2024 yêu cầu các bộ liên quan, các địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 135/CĐ-TTg ngày 16/12/2024 về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại… để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và ngay từ những tháng đầu năm 2025, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tương thân, tương ái, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng...
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao); làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.
Công điện yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình phối hợp liên ngành để xử lý nhanh, kịp thời các vụ, việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài khoản thanh toán, ví điện tử có nghi vấn liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật để kịp thời cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản (hoàn thành trong quý I năm 2025)...
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27/12/2024 về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu để phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025.
Trong đó, các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số; tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới...
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 4/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp.
Tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi chuyên gia, giảng viên chuyên môn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi ở các cơ sở giáo dục đại học...
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá bất hợp lý; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán có kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, cung ứng liên tục, đầy đủ cho thị trường với giá hợp lý; chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán...
Giải pháp trọng tâm đẩy mạnh tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 9/12/2024 về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Chỉ thị nêu rõ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là các công trình thủy lợi, nước sạch phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.
Chỉ thị yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về nguy cơ cháy, nổ, thường xuyên tập huấn kỹ năng thoát nạn, chữa cháy, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với từng công trình, cơ sở, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động...
Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 24/12/2024 chỉ đạo tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, pháp luật về đấu giá, pháp luật về cổ phần hoá...
Tăng tốc, bứt phá để quyết tâm đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024
Tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương vừa tăng tốc, bứt phá để quyết tâm đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024, vừa khẩn trương triển khai những nhiệm vụ mới, quan trọng, cấp bách; tạo đà, tạo lực, tạo thế, giữ nhịp cao hơn để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Chính phủ cho ý kiến về 06 đề nghị xây dựng luật, 01 dự án pháp lệnh
Tại Nghị quyết số 240/NQ-CP ngày 17/12/2024 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024, Chính phủ cho ý kiến về 6 đề nghị xây luật (gồm: Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)) và dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vi phạm hành chính lĩnh vực khí tượng thủy văn bị phạt tới 100 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2024/NĐ-CP ngày 10/12/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Giá khởi điểm đấu giá biển số xe ô tô là 40 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2024/NĐ-CP ngày 10/12/2024 quy định về đấu giá biển số xe.
Nghị định quy định hình thức đấu giá biển số xe là đấu giá trực tuyến.
Phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên.
Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, ba năm tăng một lần tính từ ngày 01/01/2025, mỗi lần tăng 5 triệu đồng.
Giá khởi điểm của một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá là 5 triệu đồng, ba năm tăng một lần tính từ ngày 01/01/2025, mỗi lần tăng 1 triệu đồng.
Giá khởi điểm của biển số xe có định dạng AAAAA (A>4), ABCDE ( A < B < C < D < E, A>4) đưa ra đấu giá lại sau lần thứ hai là 500 triệu đồng đối với biển số xe ô tô và 50 triệu đồng đối với biển số xe mô tô, xe gắn máy.
Sửa quy định về thẩm quyền của cảnh sát môi trường
Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2024/NĐ-CP ngày 16/12/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
Nghị định số 157/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2015/NĐ-CP về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát môi trường.
Cụ thể, Nghị định số 157/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 Nghị định số 105/2015/NĐ-CP về thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật; yêu cầu giải trình về những hành vi có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Theo quy định mới, đây là thẩm quyền của: Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an cấp tỉnh; Trưởng Công an cấp huyện.
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 quy định về hoạt động vận tải đường bộ.
Nghị định số 158/2024/NĐ-CP quy định cụ thể về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi gồm các nội dung quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, cước chuyến đi trong các trường hợp: thông qua sử dụng đồng hồ tính tiền, thông qua sử dụng phần mềm tính tiền và trong trường hợp thỏa thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.
Theo đó, Nghị định quy định đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thì được tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Nghị định quy định cụ thể điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi:
- Xe ô tô phải bảo đảm đúng theo quy định tại khoản 9 Điều 56 Luật Đường bộ;
- Phải có phù hiệu "XE TAXI" theo Mẫu số 04 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định này và được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định;
- Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ "XE TAXI" là 06 x 20 cm theo Mẫu số 05 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định này. Trường hợp niêm yết bằng thiết bị điện tử phải bảo đảm cụm từ "XE TAXI" luôn được bật sáng và có kích thước tối thiểu là 06 x 20 cm.
- Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Sửa quy định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng
Chính phủ ban hành Nghị định 159/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm, Nghị định 159/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung như sau:
Kiểm lâm khi thi hành công vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Nghị định này và theo quy định của pháp luật; mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, kiểm lâm hiệu, biển tên theo quy định.
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, kiểm tra hiện trường, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự...
Điều kiện kinh doanh cơ sở đào tạo lái xe ô tô, áp dụng từ 1/1/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 160/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, trong đó quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh của cơ sở đào tạo lái xe ô tô.
Nghị định nêu rõ, cơ sở đào tạo lái xe là loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hoặc cơ sở giáo dục.
Nhân lực của cơ sở đào tạo gồm: Người đứng đầu cơ sở đào tạo; các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ; các tổ bộ môn; các đơn vị phục vụ đào tạo.
Cơ sở đào tạo phải có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, dạy thực hành đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Số lượng giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng kế hoạch sử dụng các xe tập lái dùng để đào tạo.
Cơ sở đào tạo phải có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích sử dụng hợp pháp tối thiểu là 1.000 m2...
Điều kiện cấp giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân
Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2024/NĐ-CP ngày 20/12/2024 quy định điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập.
Nghị định quy định điều kiện để được cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:
Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép.
Có tối thiểu 30 thành viên đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định này, có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân.
Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 6 Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng.
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động.
3 hình thức đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất
Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2024/NĐ-CP ngày 24/12/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông.
Theo Nghị định, thông tin thuê bao di động mặt đất chỉ được đăng ký theo một trong các hình thức sau:
1. Trực tiếp tại điểm do chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di dộng mặt đất trực tiếp sở hữu, thiết lập (có địa chỉ xác định hoặc lưu động).
2. Trực tiếp tại các điểm có địa chỉ xác định do doanh nghiệp khác thiết lập, được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất ký hợp đồng ủy quyền để thực hiện việc đãng ký thông tin thuê bao.
3. Trực tuyến thông qua sử dụng ứng dụng của chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sở hữu. Việc đăng ký thông tin thuê bao theo hình thức trực tuyến chỉ áp dụng đối với 03 số thuê bao đầu tiên trên 01 giấy tờ quy định. Trường hợp ứng dụng dùng để đăng ký trực tuyến không xác thực được thông tin thuê bao theo quy định thì phải đăng ký trực tiếp tại các điểm theo quy định trên.
Trong từng thời kỳ, khi cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc thiết lập điểm đăng ký thông tin thuê bao và đăng ký thông tin thuê bao theo hình thức trực tuyến.
Quy định mới về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân
Chính phủ ban hành Nghị định 164/2024/NĐ-CP ngày 25/12/2024 quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra Công an nhân dân. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2025.
Về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân, Nghị định 164/2024/NĐ-CP nêu rõ: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Quy định mới về quyền, trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ.
Nghị định số 167/2024/NĐ-CP nêu rõ quyền, trách nhiệm, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 48, Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các nội dung sau:
Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp mà mình làm đại diện vốn để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên theo quy định.
Trước khi chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có văn bản xin ý kiến gửi đến cơ quan tài chính cùng cấp (đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên)…
Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị cho UBND TP Đà Nẵng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 23/2024/QĐ-TTg ngày 10/12/2024 quy định thí điểm về phân cấp thẩm quyền và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Quyết định nêu rõ, thí điểm phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng).
UBND thành phố Đà Nẵng khi tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo thí điểm phân cấp phải đảm bảo tuân thủ các quy định về căn cứ, nguyên tắc, điều kiện điều chỉnh cục bộ, nội dung điều chỉnh cục bộ tại pháp luật quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; các nội dung điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, chức năng, quy mô, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị, khu chức năng; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn khác có liên quan.
Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng.
Theo Quyết định, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng là khu kinh tế ven biển có quy mô diện tích 20.000 ha (trong đó khoảng 2.909 ha là đất lấn biển), nằm ở khu vực phía Đông Nam của thành phố Hải Phòng; có toạ độ địa lý từ 20°35'50" đến 20°45'35" vĩ độ Bắc và từ 106°32'8" đến 106°49'15" độ kinh Đông.
Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng là khai thác tối đa lợi thế về vị trí cửa ngõ quốc tế, nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận và quốc tế...
Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.
Thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký Quyết định số 1541/QĐ-TTg thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam.
Theo Quyết định, thành lập khu công nghệ cao trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam với tên gọi là Khu Công nghệ cao Hà Nam, có quy mô diện tích 663,19 ha thuộc địa bàn các xã: Trần Hưng Đạo, Nhân Mỹ, Nhân Nghĩa, Nhân Bình, Xuân Khê và Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Thu hút đầu tư phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1575/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Các chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Thu hút đầu tư phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ; phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội; bảo vệ môi trường; đảm bảo nguồn lực tài chính.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1576/QĐ-TTg ngày 16/12/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế); cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế; xây dựng lộ trình thực hiện danh mục dự án dự kiến ưu tiên đầu tư, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện.
Nâng cao chất lượng về cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 17/12/2024 phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Mục đích chung của Đề án là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhất là người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc cung cấp và sử dụng có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đối ngoại nhân dân và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác.
Phát triển KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh theo mô hình KKT cửa khẩu quốc tế
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 20/12/2024 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2045.
Về tính chất, chức năng: Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh là khu kinh tế cửa khẩu với trọng tâm phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp giá trị cao; Khu dân cư đô thị vùng biên giới với không gian hài hòa, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và có bản sắc riêng.
Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh là đầu mối giao thông, trung chuyển thương mại quốc gia và quốc tế quan trọng. Là nơi thu hút, xúc tiến các hoạt động đầu tư kinh doanh trên cơ sở hệ thống cửa khẩu Quốc gia và cửa khẩu phụ liên hoàn...
Giảm lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23/12/2024 về việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội bị ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).
Theo Quyết định nêu rõ, đối tượng giảm lãi suất cho vay là khách hàng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quy định về lãi suất (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) tại 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa.
Mức giảm lãi suất cho vay là 2%/năm. Áp dụng đối với khoản vay có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, thân thiện
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 24/12/2024 về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, thân thiện, nhằm kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của khu vực và thế giới.
Những lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt mới áp dụng từ 1/1/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo đó, người điều khiển xe ô tô không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn (tại vị trí có trang bị dây đai an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông...
Người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi ngược chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Chính phủ ban hành Nghị định 176/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Nghị định này quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; nội dung chi, mức chi cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước./.