Bộ Xây dựng trả lời ý kiến của Cử tri tỉnh Bến Tre tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu, 29/12/2017 16:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng nhận được công văn số 12793/VPCP-QHĐP do Văn phòng Chính phủ chuyển tiếp kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Trethuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng.  

Nội dung kiến nghị: “Các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách có chất lượng không cao, xuống cấp nhanh. Cử tri cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thi công, giám sát và nghiệm thu công trình không chặt chẽ, dễ dãi, thiếu trách nhiệm và tiêu cực. Kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp tối ưu đối với cơ quan, tổ chức thực hiện giám sát, xử lý nghiêm trường hợp công trình không đảm bảo về chất lượng” (Câu số 1).

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 3133/BXD-GĐ ngày 27/12/2017 trả lời như sau:

1. Các quy định của Luật Xây dựng, các văn bản hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình xây dựng và trách nhiệm của các chủ thể liên quan

Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP Về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP Về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP Về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các Thông tư hướng dẫn được ban hành đã có các quy định cụ thể về quản lý chất lượng công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn nhà nước; trong đó đã phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Theo các quy định này, các công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình nhà cao tầng, công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn an toàn cộng đồng và môi trường, công trình sử dụng vốn nhà nước phải được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng, kiểm tra trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng. Để đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng, các công trình xây dựng phải đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.

Qua theo dõi, trên thực tiễn, hệ thống quy định pháp luật liên quan tới công tác quản lý chất lượng công trình hiện nay đã cơ bản đồng bộ, đủ khả năng điều chỉnh công tác này.

2. Tình hình chất lượng công trình xây dựng nói chung và công trình xây dựng vốn ngân sách nhà nước nói riêng

Theo báo cáo của các Bộ ngành, địa phương, hàng năm có khoảng 4 đến 5 vạn công trình đang được thi công xây dựng. Chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản là đảm bảo và ngày một nâng cao. Chất lượng các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia về cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả. Nhiều công trình xây dựng mới, được đưa vào sử dụng có chất lượng tốt, phát huy hiệu quả kinh tế xã hội như Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu…Sự cố công trình có xu hướng giảm, chiếm tỷ lệ thấp từ 0,1% đến 0,2% trong tổng số công trình xây dựng hàng năm (theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Bộ, ngành năm 2013 có 70 sự cố - chiếm khoảng 0,2%; năm 2014 có 47 sự cố - chiếm khoảng 0,15% tổng số công trình đang xây dựng; năm 2015 có 40 sự cố - chiếm khoảng 0,1%). Đây là kết quả của việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước và sự cố gắng của các chủ thể có liên quan đối với công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng ngay từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chuyển biến tích cực về chất lượng công trình xây dựng vẫn còn tình trạng một số ít công trình xây dựng có chất lượng xây dựng chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, cá biệt có công trình vừa xây dựng xong đã xuống cấp, hư hỏng thậm chí sập đổ, gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh những nguyên nhân do tổ chức thi công, giám sát và nghiệm thu chưa được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo quy định của pháp luật, có biểu hiện dễ dãi như Cử tri tỉnh Bến Tre đã phản ánh, còn một số nguyên nhân khác như:

- Nhiều chủ thể tham gia trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng công trình (chủ đầu tư và các nhà thầu), chủ quản lý sử dụng công trình chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát thi công, nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình.

- Năng lực của nhiều nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu và chưa được kiểm soát chặt chẽ; năng lực quản lý dự án của nhiều chủ đầu tư yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

- Việc tổ chức thực hiện công tác bảo trì công trình (lập và phê duyệt quy trình bảo trì, thực hiện quy trình bảo trì, nguồn vốn cho công tác bảo trì công trình xây dựng), việc thực hiện các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy chưa thực hiện thường xuyên, đối với nhiều công trình còn bị coi nhẹ.

3. Giải pháp khắc phục

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, cũng như giảm thiểu và tiến tới sớm chấm dứt các biểu hiện tiêu cực trong quản lý chất lượng công trình xây dựng; nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình đặc biệt là các công trình sử dụng vốn ngân sách, cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng công trình xây dựng; Đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả Đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn” và Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá xây dựng” đã được Thủ tướng Chính phê duyệt;

- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong xây dựng và tăng cường năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; minh bạch, công khai thông tin về năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Kiện toàn, nâng cao năng lực các cơ quan chuyên môn về xây dựng đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

- Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ thể trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình; thực hiện xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương theo dõi, đôn đốc, thanh tra để công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3133/BXD-GĐ. 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)