Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh gửi tới kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

Thứ tư, 15/02/2017 10:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 15/02, Bộ Xây dựng đã có công văn 262/BXD-PTĐT trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh gửi tới kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIVvới nội dung:“Đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý đô thị”.Sau khi nghiên cứu, theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng xin được trả lời như sau:  

1. Thực trạng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý đô thị:

Sau 30 năm đổi mới, tiến trình đô thị hóa đã gắn kết tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các Vùng và cả nước; Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 36,6% với 802 đô thị (năm 2016).

Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh tại các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Bên cạnh nhiều đô thị mới hình thành và phát triển, số lượng lớn các đô thị hiện hữu được nâng cấp, mở rộng về qui mô đất đai, đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kĩ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, vệ sinh môi trường...) và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...). Diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước.

Tuy nhiên quá trình đô thị hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nếu không được khắc phục và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài về nhiều mặt. Một số bất cập hạn chế trong lĩnh vực đầu tư phát triển gồm: (i) Chất lượng tăng trưởng đô thị chưa cao, chưa thực sự thể hiện đúng vai trò tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho từng Vùng và quốc gia. Năng lực cạnh tranh của đô thị không cao; (ii) Hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, tài nguyên và chủ động đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số; (iii) Việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải. Nhiều dự án đô thị mới có tỷ lệ sử dụng thấp, gây lãng phí đất đai và nguồn lực. Các khu vực đô thị hiện hữu, nhất là trung tâm đô thị, chậm được cải tạo, chỉnh trang; (iv) Khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao. Việc thực hiện các cam kết của quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính khó khăn; (v) Nguồn lực cho phát triển tại các đô thị còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả; (vi) Quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả. Năng lực quản lý đô thị các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

2. Nguyên nhân của các hạn chế

Các hạn chế bất cập trong quá trình phát triển đô thị do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng về thể chế pháp luật và công tác tổ chức triển khai không nghiêm của các chủ thể tham gia, cụ thể:

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa thống nhất, phân tán, chưa đồng bộ, thiếu ổn định và chưa điều chỉnh toàn diện các vấn đề từ thực tiễn:

Công tác quy hoạch đô thị được điều chỉnh tại Luật Quy hoạch đô thị đã cơ bản hoàn thiện thể chế về quy hoạch, định hướng cho hoạt động quản lý phát triển đô thị, song các chế tài hướng dẫn triển khai tổ chức quản lý thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch tại từng đô thị còn thiếu và yếu. Các quy định tổ chức triển khai thực hiện định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia, cơ chế phối hợp phát triển giữa các đô thị trong vùng nằm rải rác phân tán tại nhiều văn bản luật và chưa hiệu quả.
Công tác đầu tư phát triển đô thị được điều chỉnh tại các Luật: Đầu tư công; Đầu tư; Xây dựng; Nhà ở... cơ bản tạo thành khung pháp lý cho mọi hoạt động đầu tư nói chung, song chưa bao hàm hết những tính chất đặc thù của lĩnh vực phát triển đô thị (quy mô chiếm đất lớn, thời gian thực hiện lâu dài, nguồn lực đầu tư lớn...). Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị là văn bản pháp lý quan trọng điều chỉnh nhiều nội dung trong lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị song vẫn thiếu một số quy định hoặc quy định chưa cụ thể về cải tạo chỉnh trang đô thị; thiếu các hướng dẫn đầu tư phát triển đô thị hướng đến mục tiêu phát triển đô thị bền vững, phát triển mô hình đô thị tiên tiến như: đô thị xanh, sinh thái, thông minh…

Việc tổ chức triển khai thực hiện quản lý phát triển đô thị tại nhiều nơi còn chưa nghiêm, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị còn thiếu và yếu:

Nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực phát triển đô thị, lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch. Một số đô thị đầu tư cho công tác quy hoạch chưa đầy đủ (thiếu quy hoạc phân khu, quy hoạch chi tiết); thiếu kinh nghiệm và chế tài kiểm soát việc tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị. Cho đến nay, nhiều đô thị vẫn chưa xây dựng chương trình phát triển đô thị, kế hoạch thực hiện các khu vực phát triển đô thị. Qua điều tra khảo sát cho thấy đội ngũ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đô thị còn thiếu và yếu (chỉ khoảng 30% số lượng cán bộ được qua đào tạo về xây dựng, đô thị)...

3. Giải pháp khắc phục hạn chế:

Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng lớn đến vai trò, tiềm năng và sức mạnh động lực trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của khu vực đô thị. Vì vậy, yêu cầu “tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý đô thị” như cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh kiến nghị là yêu cầu cấp thiết và phù hợp với thực tiễn. Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ về quản lý phát triển đô thị đã và đang hết sức nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, cụ thể:

Về công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng và nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Ngày 27/5/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 499/QĐ-BXD về Chương trình hành động của ngành xây dựng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016-2020, trong đó đề ra nhiệm vụ của phát triển đô thị: “Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng tăng trưởng và cạnh tranh đô thị”.

Tại Chương trình hành động này, đã xác định rõ nhiệm vụ ngành là xây dựng khung pháp lý và các công cụ, chính sách cụ thể, đồng bộ, hoàn chỉnh để quản lý và kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, trọng tâm là xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc; rà soát, sửa đổi, bổ sung các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, từng vùng và cả nước theo từng giai đoạn. Thời hạn hoàn thành trước năm 2019.

Về công tác quy hoạch:

Bộ Xây dựng đã xây dựng kế hoạch đến năm 2018 hoàn thành quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung các đô thị; cơ bản hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đối với những khu vực cần phải có quy hoạch, quy chế để quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tổ chức rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là tại các thành phố lớn; chủ trì phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là việc quy hoạch, cấp phép xây dựng các khu đô thị mới, chung cư cao tầng. Dự kiến, kết quả rà soát sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

Về công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị:

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Luật Xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn; rà soát, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; Nghiên cứu áp

Về nâng cao năng lực quản lý:

Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị, Bộ Xây dựng đã và đang triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp cho giai đoạn 2016-2020”; phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực theo chức danh, vị trí việc làm đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp.



Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 262/BXD-PTĐT. 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)