Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

Thứ năm, 05/02/2015 14:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 04/02, Bộ Xây dựng đã có công văn 224/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII với nội dung: "Vừa qua, Nhà nước đã có kế hoạch hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để kích cầu nhà đất, nhưng cử tri thấy việc giải ngân số tiền này còn chậm và chưa có hiệu quả. Trong thời gian tới các Bộ, ngành có liên quan có những chủ trương, giải pháp nào để đẩy nhanh tốc độ giải ngân và sử dụng số tiền này có hiệu quả".

Ngày 07/01/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu (Nghị quyết số 02/NQ-CP). Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dành một lượng vốn hợp lý (gói tín dụng 30.000 tỷ đồng) thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý để các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ nhà ở. Đây không phải là gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, mà là gói tín dụng thương mại có sự hỗ trợ về lãi suất của Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện, với mục tiêu hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp và khó khăn về chỗ ở. Triển khai thực hiện, ngày 15/5/2013 Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BXD hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở.

Với việc giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện, kết quả cho vay hỗ trợ nhà ở đã có nhiều cải thiện. Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đến nay đã có 34 dự án nhà ở xã hội được cam kết cho vay với số vốn là khoảng 4.400 tỷ đồng và 11.600 hộ gia đình, cá nhân được cam kết cho vay với số tiền là khoảng 5.000 tỷ đồng từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP (tính đến cùng kỳ năm 2013 chỉ đạt khoảng 2.600 tỷ đồng). Kết quả cho thấy, các khó khăn, bất cập trong giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã cơ bản được tháo gỡ. Theo đó, số tiền được giải ngân đã tăng nhanh trong các tháng cuối năm 2014 và cao hơn nhiều so với cuối năm 2013.

Trong quá trình tổ chức triển khai cho vay vốn hỗ trợ nhà ở từ nguồn tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cũng đã sớm nhận thấy một số bất cập như: thời hạn hỗ trợ cho vay vốn trong 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ của các hộ gia đình; lãi suất cho vay ưu đãi mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 01/2014 nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân; nhiều hộ gia đình có nhu cầu mua nhà ở với tổng giá trị hợp đồng chỉ trên dưới 700 triệu đồng nhưng không được vay do diện tích nhà ở lớn hơn 70 m2 hoặc giá cao hơn 15 triệu đồng/m2; nhiều hộ gia đình có đất ở hợp pháp mà không có tiền xây dựng nhà nhưng không thuộc đối tượng được vay vốn; các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân khu công nghiệp, học sinh sinh viên thuê cũng không được vay, mà trên thực tế đây là lực lượng chính cung cấp khoảng 80% lượng nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 cho phép tiếp tục triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Theo đó, áp dụng mức lãi suất cho vay giảm xuống 5%/năm trong năm 2015, tăng thời hạn cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm, mở rộng cho vay đối với trường hợp người thu nhập thấp vay để mua, thuê, thuê mua, xây dựng, cải tạo nhà ở với tổng giá trị dưới 1.050 triệu đồng. Ngày 18/11/2014, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 17/2014/TT-BXD và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư số 32/2014/TT-NHNN hướng dẫn để triển khai, thực hiện các quy định này. Triển khai thực hiện Nghị quyết mới này chắc chắn việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động có thu nhập thấp cũng như việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 224/BXD-QLN.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)