Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII

Thứ năm, 04/09/2014 16:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 29/8, Bộ Xây dựng đã có công văn 2037/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII với nội dung kiến nghị: “Cử tri cho rằng việc phân bổ nguồn gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ người dân vay để mua nhà ở xã hội, hỗ trợ để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, phân bổ nguồn kinh phí này tập trung chi các dự án của ngành y tế, giáo dục và đào tạo để phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân”.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đã có nhiều chính sách chăm lo chỗ ở cho người dân cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Sau khi thực hiện xóa bỏ cơ chế bao cấp về nhà ở, số lượng, chất lượng nhà ở và điều kiện chỗ ở của người dân trên cả nước đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở hoàn toàn theo cơ chế thị trường, không có sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước cũng bộc lộ không ít bất cập; trong đó, nhiều người nghèo và thu nhập thấp rất khó khăn trong việc tạo lập chỗ ở, không có nhà ở hoặc nhà ở rất chật chội.

Có chỗ ở là một trong 4 nhu cầu không thể thiếu và là quyền hợp pháp, chính đáng của mỗi người dân. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo chỗ ở cho mọi đối tượng trong xã hội.

Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã đề ra hướng tiếp cận mới để giải quyết vấn đề nhà ở đã được Chính phủ thống nhất cao là: "Giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân". Chiến lược chú trọng phát triển đồng bộ cả nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng khá giả, có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường và nhà ở xã hội (là nhà ở có sự hỗ trợ bằng tiền hoặc thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước) để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, không đủ khả năng tự tạo lập nhà ở.

Thực hiện Chiến lược, ngày 07/01/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu (Nghị quyết số 02/NQ-CP). Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dành một lượng vốn (gói tín dụng 30.000 tỷ đồng) thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại phục vụ cho các đối tượng thu nhập thấp, các bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Theo quy định, đây không phải là gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, mà là gói tín dụng thương mại có sự hỗ trợ về lãi suất của Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện, với mục tiêu hỗ trợ cho người có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở được vay vốn để giải quyết nhu cầu về nhà ở.

Việc cho vay hỗ trợ để các đối tượng có thu nhập thấp có khả năng mua, thuê, thuê mua nhà ở, giúp giải quyết nhu cầu cấp thiết về chỗ ở của một số đông người dân gồm cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, công nhân khu công nghiệp; việc hỗ trợ vốn để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội và dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội, giúp điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhà ở, tăng tỷ lệ, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở có giá và diện tích phù hợp với người thu nhập thấp...gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quyền có chỗ ở của người dân.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cho phát triển nhà ở cũng là hỗ trợ cho đầu tư phát triển. Đồng thời, việc hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản nhà ở có vai trò đầu kéo, giúp hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho, phát triển kinh tế của nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác trong xã hội đặc biệt là vật liệu, trang thiết bị xây dựng.

Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy gói cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP đã có tác động tích cực với sự phục hồi, ấm dần của thị trường bất động sản nhà ở cũng như lượng tồn kho nhà ở ngày một giảm; nhiều dự án nhà ở xã hội mới được triển khai, nhiều dự án nhà ở thương mại thực hiện điều chỉnh cơ cấu giảm diện tích căn hộ hoặc chuyển đổi sang nhà ở xã hội để đáp ứng cho người dân. Như vậy, việc sử dụng gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở là giải pháp ngắn hạn cấp thiết và phù hợp để khắc phục, hỗ trợ thị trường bất động sản nhà ở, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế chung.

Cùng với việc chăm lo về chỗ ở, việc đầu tư xây dựng các cơ sở y tế, giáo dục phục vụ người dân cũng hết sức cần thiết, trong hoàn cảnh của sự quá tải cũng như chất lượng phục vụ kém của nhiều bệnh viện, trường học hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển các cơ sở y tế, giáo dục là nhu cầu thường xuyên, lâu dài và đòi hỏi nguồn vốn lớn. Để giải quyết vấn đề này không thể chỉ sử dụng giải pháp hỗ trợ lãi suất vay vốn như đối với vấn đề nhà ở, mà cần huy động và tập trung nhiều nguồn lực khác như: đầu tư trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ; nguồn vốn ODA, viện trợ từ các tổ chức, chính phủ nước ngoài; nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước và có nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2037/BXD-QLN.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)