Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII

Thứ năm, 04/09/2014 16:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 29/8, Bộ Xây dựng đã có công văn 2071/BXD-GĐ trả lời kiến nghị của cử tri gửi đếnkỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIIIvới nội dung: “Việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tuy đã được phản ánh nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện nhiều, tình trạng các công trình giao thông, thủy lợi, … không đảm bảo chất lượng vẫn còn nhiều, gây bất bình trong dư luận xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, cử tri kiến nghị cần quản lý chất lượng các công trình xây dựng theo hướng : Quy định rõ thời hạn sử dụng của từng loại công trình và nhà thầu thi công phải có trách nhiệm bảo hành đến hết thời hạn sử dụng công trình, không giới hạn thời hạn bảo hành từ 01 đến 02 năm như hiện nay”.

1. Chất lượng công trình xây dựng luôn là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm vì ảnh hưởng tới an toàn cộng đồng và môi trường. Chất lượng công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ năng lực và ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng công trình, cơ chế chính sách quản lý chất lượng công trình xây dựng, chất lượng vật tư, vật liệu đưa vào thi công xây dựng công trình, các yếu tố khí tượng thủy văn, .... Theo pháp luật hiện hành, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng được thực hiện bởi các chủ thể như: giám sát của nhà thầu thi công, giám sát của chủ đầu tư (hoặc của nhà thầu giám sát trong trường hợp chủ đầu tư thuê giám sát), giám sát của nhân dân, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Đối với các công trình quan trọng, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng để kiểm tra, giám sát chất lượng công trình.

- Về chất lượng công trình thủy lợi, thủy điện có quy mô lớn (các công trình có chiều cao đập trên 50m hoặc có công suất phát điện trên 30MW) cơ bản đã được kiểm soát tốt. Một số sự cố công trình như Thủy điện Sông Tranh 2 có thấm lớn qua thân đập, hiện đã tổ chức khắc phục đạt yêu cầu thiết kế. Các công trình khác như thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Đồng Nai 3, thủy điện Đồng Nai 4, thủy điện An Khê – Kanak, … tuy có hiện tượng thấm nhưng đã được xử lý đạt hiệu quả, nằm trong giới hạn thấm cho phép của thiết kế. Tuy nhiên, đối với các công trình có quy mô vừa và nhỏ do tư nhân quản lý còn có một số công trình không đảm bảo chất lượng, để xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, do một số nguyên nhân sau:

+ Ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, nhiều Chủ đầu tư các dự án do thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ chuyên môn nên việc quản lý chất lượng thiết kế công trình xây dựng chưa tuân thủ đầy đủ quy định hiện hành. Vẫn còn hiện tượng Chủ đầu tư tự thay đổi thiết kế, không tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình gây hậu quả nghiêm trọng như ở công trình thủy điện Đăm Bol – Đạ Tẻl (Lâm Đồng), Thủy điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum), Thủy điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị), Thủy điện Iakrel 2 (Gia Lai).

+ Công tác an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các công trình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách đã gây ra một số sự cố mất an toàn nghiêm trọng, điển hình như sự cố tại công trình thủy điện Suối Sập 1 (ở Sơn La) gây thiệt hại lớn về người.

- Về chất lượng các công trình giao thông, mỗi năm ngành giao thông đưa vào khai thác hàng ngàn km đường bộ, hàng trăm chiếc cầu đường bộ, đường sắt, cùng các cảng biển, cảng hàng không và những tuyến đường thủy. Sau khi đưa vào sử dụng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Nhìn chung chất lượng công trình tại các dự án đầu tư khi đưa vào khai thác đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên cũng có một số công trình đã xuất hiện những hư hỏng tại một số hạng mục hoặc bộ phận công trình, gây bức xúc cho xã hội như: Mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe, lún nền đường, sạt lở ta luy nền đường, … Nguyên nhân là do các chủ thể tham gia xây dựng công trình chưa làm hết trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng; việc kiểm tra xử lý trách nhiệm của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ và kịp thời.

2. Để tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/2/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng (thay thế Nghị định số 209/2004/NĐ-CP). Ngoài việc làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giám sát chất lượng công trình xây dựng nêu trên, Nghị định 15/2013/NĐ-CP đã quy định cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng tăng cường quản lý chất lượng thông qua việc thực hiện một số nội dung như thẩm tra thiết kế sau thiết kế cơ sở và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng; công khai thông tin năng lực nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng. Đối tượng kiểm tra, kiểm soát tập trung vào các công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng và các công trình phúc lợi xã hội.

Để đảm bảo việc thực thi pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng (Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013). Trong đó bổ sung chế tài xử lý vi phạm về quản lý hoạt động xây dựng nói chung và quản lý chất lượng công trình xây dựng nói riêng. Đặc biệt, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 của Quốc Hội được thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2015 đã quy định cụ thể về công tác quản lý chất lượng công trình từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng đến bảo hành và bảo trì công trình xây dựng.

3. Về công tác bảo hành đối với công trình xây dựng, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP đã quy định rõ thời hạn bảo hành đối với công trình cấp I và cấp đặc biệt không ít hơn 24 tháng và công trình các cấp còn lại không ít hơn 12 tháng. Thời hạn bảo hành công trình có thể dài hơn quy định tùy thuộc vào hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng.

Thời hạn bảo hành công trình cần phải được xác định cụ thể vì theo thời gian, đến một thời điểm nhất định, công trình bị xuống cấp không phải do lỗi của nhà thầu thi công xây dựng mà do vật tư, vật liệu, thiết bị sử dụng cho công trình đã đến chu kỳ lão hóa, cần phải được bảo trì, bảo dưỡng. Quy trình bảo trì công trình xây dựng đã được quy định cụ thể tại Nghị định 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu ý kiến của cử tri để xem xét, sửa đổi các quy định theo hướng tăng thời hạn bảo hành công trình xây dựng.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2071/BXD-GĐ.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)