Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh An Giang, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Hà Nam, Cần Thơ, Ninh Thuận gửi tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

Thứ tư, 12/06/2013 17:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 12/6, Bộ Xây dựng đã có công văn 1135/BXD-GĐ trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh An Giang, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Hà Nam, Cần Thơ, Ninh Thuận. Nội dung kiến nghị:

Câu 1:“Việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tuy đã được phản ánh nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện, tình trạng các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện … không đảm bảo chất lượng vẫn còn nhiều, gây bất bình trong dư luận xã hội. Kiến nghị Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng, kiên quyết không nghiệm thu, đưa vào sử dụng các công trình xây dựng không đạt chất lượng và xử lý nghiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm”.

Câu 2: “Thời gian qua, việc giám sát các công trình được đầu tư trong cả nước còn lỏng lẻo, nhất là, các công trình công cộng, phúc lợi xã hội, công trình do Nhà nước làm chủ đầu tư dẫn đến hậu quả một số công trình đưa vào sử dụng không lâu đã xuống cấp trầm trọng. Chất lượng một số công trình xây dựng kém, như sập dầm cầu khi đang thi công; hồ đập chứa nước công trình thủy điện Sông Tranh 2, Thủy điện Đăk Rông 3 không đảm bảo… gây lo lắng trong nhân dân. Để đảm bảo các công trình đạt chất lượng, phục vụ dân sinh, đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát đầu tư xây dựng, trong thực hiện hợp đồng đầu tư xây dựng cần có những quy định chặt chẽ và biện pháp chế tài kèm theo; tăng thời hạn bảo hành đối với các công trình xây dựng cơ bản...”.

Chất lượng công trình xây dựng hiện là vấn đề được xã hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo pháp luật hiện hành, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng được thực hiện bởi các chủ thể như: giám sát của nhà thầu thi công, giám sát của chủ đầu tư (hoặc của nhà thầu giám sát trong trường hợp chủ đầu tư thuê giám sát), giám sát của nhân dân, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Đối với các công trình trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng để kiểm tra, giám sát chất lượng công trình.

Về chất lượng công trình, các công trình có quy mô lớn về cơ bản đã được kiểm soát tốt. Một số sự cố công trình như Thủy điện Sông Tranh 2 có thấm lớn qua thân đập, hiện đã tổ chức khắc phục đạt yêu cầu thiết kế. Một số công trình khác như công trình thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Đồng Nai 3, thủy điện Đồng Nai 4, thủy điện An Khê – Kanak, … tuy có hiện tượng thấm nhưng đã được xử lý đạt hiệu quả, nằm trong giới hạn thấm cho phép của thiết kế. Tuy nhiên, đối với các công trình có quy mô vừa và nhỏ do tư nhân quản lý còn có một số công trình không đảm bảo chất lượng, để xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, do một số nguyên nhân sau:

- Ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, nhiều Chủ đầu tư các dự án do thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ chuyên môn nên việc quản lý chất lượng thiết kế công trình xây dựng chưa tuân thủ đầy đủ quy định hiện hành. Vẫn còn hiện tượng Chủ đầu tư tự thay đổi thiết kế, không tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình gây hậu quả nghiêm trọng như ở công trình thủy điện Đăm Bol – Đạ Tẻl (Lâm Đồng), Thủy điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum), Thủy điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị).

- Công tác an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng chưa được quan tâm đúng mực, nhất là các công trình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách đã gây ra một số sự cố mất an toàn nghiêm trọng, điển hình như sự cố tại công trình thủy điện Suối Sập 1 (ở Sơn La) gây thiệt hại lớn về người và của.

Để tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/2/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng (thay thế Nghị định số 209/2004/NĐ-CP). Ngoài việc làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giám sát chất lượng công trình xây dựng nêu trên, Nghị định 15/2013/NĐ-CP đã quy định cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng tăng cường quản lý chất lượng thông qua việc thực hiện một số nội dung như thẩm tra thiết kế sau thiết kế cơ sở và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng; công khai thông tin năng lực nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng. Đối tượng kiểm tra, kiểm soát tập trung vào các công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng và các công trình phúc lợi. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện để ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP để đưa các quy định mới nêu trên triển khai trong thực tế.

Để đảm bảo việc thực thi pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đang trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Trong đó bổ sung chế tài xử lý vi phạm về quản lý hoạt động xây dựng nói chung và quản lý chất lượng công trình xây dựng nói riêng.

Về công tác bảo hành đối với công trình xây dựng, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP đã quy định rõ đối với công trình cấp I và cấp đặc biệt không ít hơn 24 tháng và công trình các cấp còn lại không ít hơn 12 tháng. Việc tăng thời hạn bảo hành lên bao nhiêu tùy thuộc vào thực tế từng công trình và được quy định trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1135/BXD-GĐ.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)