Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị

Thứ tư, 12/04/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 07/4/2006, Vụ Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng - Bộ Xây dựng phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho "Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị" của khu vực phía Bắc từ Quảng Bình trở ra.
Ông Trần Ngọc Chính - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã chủ trì hội thảo. Đến dự có ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyễn Thúc Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Nguyễn Lân - Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Khải - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và lãnh đạo các tỉnh, sở Xây dựng Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình... Tp Hạ Long và lãnh đạo, chuyên viên các vụ, viện của Bộ Xây dựng.
Trong gần 20 năm đổi mới các mặt kinh tế xã hội ở nước ta thu được nhiều thành tựu to lớn, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao. Vị thế của nước ta được khẳng định trên khu vực và quốc tế. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Những thay đổi về chính sách kinh tế theo hướng mở cửa và hội nhập đã thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ. Vì vậy tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh, hệ thống đô thị phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Cho đến 02/2006 cả nước ta đã có tới 718 đô thị lớn nhỏ từ đô thị loại 5 đến đô thị loại đặc biệt trong đó đã có 34 thành phố. Tỷ lệ dân số đô thị đã đạt tới 26% so với dân số cả nước. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng công trình ngày càng lớn. Những công trình xây dựng mới ở các khu đô thị mới, công trình cải tạo chỉnh trang đô thị, các dự án đầu tư vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ đô thị của các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài làm tăng số lượng công trình ở mỗi đô thị, đồng thời góp phần làm thay đổi hình ảnh đô thị theo cả hai hướng tích cực và cả mặt tiêu cực. Những hệ quả tất yếu đó là:
- Dân số các đô thị tăng nhanh, mật độ dân số cao ở nhiều đô thị lớn.
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị không đáp ứng yêu cầu thực tế sử dụng.
- Cảnh quan đô thị bị phá vỡ, trật tự đô thị không được giữ vững.
- Môi trường đô thị có nguy cơ suy giảm, chất lượng sống khó cải thiện.
- Thời gian đi lại trong đô thị tăng, chi phí cho giao thông cao và không an toàn.
- Hình ảnh các đô thị Việt Nam không bản sắc, khả năng thu hút đầu tư và du lịch thấp.
Những nguyên nhân dẫn đến các bất hợp lý nêu trên là:
- Phát triển đô thị chưa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng dân số đô thị.
- Công tác quản lý xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị hiện chưa đáp ứng với tình hình thực tế. Một số văn bản pháp quy về xây dựng, quản lý đô thị và quy chuẩn, tiêu chuẩn đã lỗi thời.
- Chính quyền đô thị chưa làm hết trách nhiệm của mình về quản lý đô thị. Vai trò của cơ quan quản lý kiến trúc đô thị tuy rất cần nhưng chưa được thiết lập. Kiến trúc sư trưởng Thành phố trước đây đã lỗi thời, hạn chế. Mô hình mới chưa được nghiên cứu thay thế.
- Trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến xây dựng công trình, kiến trúc đô thị và phát triển đô thị; tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình xây dựng đô thị, chỉnh trang và bảo vệ đô thị chưa được pháp luật định rõ.
- Tổ chức, cá nhân tư vấn thiết kế công trình xây dựng, kiến trúc đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bản quyền tác giả chưa thật sự được tôn trọng, thường bị chủ đầu tư can thiệp nhiều vào quá trình xây dựng, vào tác phẩm của kiến trúc sư.
- Quy trình thẩm định, xét duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đô thị chưa tham gia vào việc tăng hiệu lực quản lý đô thị.
- Nhận thức về pháp luật của người dân đô thị, các tổ chức liên quan về đô thị chưa cao. Vai trò của các hội nghề nghiệp, của cộng đồng dân cư đô thị chưa được khai thác và tận dụng hợp lý trong công tác tư vấn, phản biện chuyên môn về kiến trúc đô thị.
- Biện pháp phổ biến, tuyên truyền về quản lý đô thị chưa đủ tầm để thâm nhập vào cuộc sống của người dân đô thị.
Vì những lý do trên, việc lập lại trật tự trong xây dựng, quản lý đô thị, tạo dựng hình ảnh đô thị Việt Nam văn minh, hài hoà về không gian, cảnh quan đô thị ngày càng đẹp, tiện nghi cao, môi trường được cải thiện là thực sự cần thiết. Đô thị phải an toàn và có bản sắc riêng là một nhu cầu hiện thực. Do đó phải ban hành một Nghị định của Chính phủ về Quản lý Kiến trúc đô thị trong thời gian này là rất bức thiết.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Khang - Viện Nghiên cứu Kiến trúc đã trình bày "Báo cáo tổng quan khảo sát thực trạng quản lý kiến trúc đô thị" cho thấy thực trạng đô thị tại Tp Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đà Nẵng, Huế gồm 2 phần:
Phần 1: Khảo sát đánh giá thực trạng quá trình xây dựng, chỉnh trang, sửa chữa, cải tạo, khai thác, sử dụng công trình, cảnh quan kiến trúc đô thị.
Phần 2: Khảo sát đánh giá thực trạng hiện trạng quản lý nhà nước về kiến trúc đô thị.
Ông Lê Đình Tri - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Kiến trúc - quy hoạch giới thiệu bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định về Quản lý kiến trúc đô thị gồm 5 chương, 29 điều. Cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung gồm 04 điều từ Điều 1 đến Điều 4. Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, yêu cầu kiến trúc đô thị và giải thích từ ngữ.
Chương II. Nội dung quản lý kiến trúc đô thị gồm 12 điều từ Điều 5 đến Điều 16. Các quy định chung đối với công trình kiến trúc đô thị; quy định đối với không gian cảnh quan đô thị; nhà ở đô thị, các quy định đối với các công trình khác; quy định đối với công trình kỹ thuật phục vụ đô thị khác; quy định về các loại vật liệu xây dựng hoàn thiện; quy định về bảo vệ môi trường, cảnh quan địa hình tự nhiên khu vực, thảm thực vật; quy định về duy tu, bảo dưỡng công trình; quy chế quản lý kiến trúc đô thị; điều kiện lô đất xây dựng và quy chế khu vực theo đặc tính đô thị hoặc có vị trí đặc biệt.
Chương III. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về quản lý kiến trúc đô thị gồm 06 điều từ Điều 17 đến Điều 22. Chương này quy định về trách nhiệm của nhà đầu tư; trách nhiệm của nhà thầu xây dựng, trách nhiệm của nhà tư vấn kiến trúc quy hoạch xây dựng; trách nhiệm của chủ sở hữu; trách nhiệm của các hội nghề nghiệp liên quan đến kiến trúc đô thị và giám sát cộng đồng trong quản lý kiến trúc đô thị.
Chương IV. Quản lý nhà nước về kiến trúc đô thị gồm 05 điều từ Điều 23 đến Điều 27. Chương này quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc đô thị; Kiến trúc sư trưởng; Hội đồng Quy hoạch các cấp; quản lý, khai thác, sử dụng hồ sơ, tài liệu liên quan đến kiến trúc đô thị; giải quyết và xử lý vi phạm.
Chương V. Tổ chức thực hiện gồm 02 điều từ Điều 28 đến Điều 29. Quy định trách nhiệm tổ chức triển khai và Hiệu lực thi hành.
Có 11 ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định này trong đó có 4 ý kiến của các hiệp hội , 4 ý kiến của chính quyền địa phương, 2 ý kiến của cơ quan quản lý và 1 ý kiến của cơ quan tư vấn.
Các ý kiến tập trung vào:
1/ Nghị định nên gọn lại, không nên viết chung chung mà cũng không cụ thể quá. Cần chú ý đến kỹ thuật văn bản.
2/ Nội dung Nghị định: Cần định nghĩa thật rõ các thuật ngữ. Nên viết gọn, khúc triết. Có kỹ thuật văn bản để làm cơ sở pháp lý.
3/ Quản lý kiến trúc quy hoạch cần có 2 cơ quan:
- Văn phòng Kiến trúc sư trưởng
- Hội đồng Kiến trúc quy hoạch.
Ông Trần Ngọc Chính - Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết, cuối tháng 4-2006 Ban soạn thảo sẽ tổ chức 1 cuộc hội thảo tại TP Hồ Chí minh cho khu vực phía Nam lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định này. Ban soạn thảo sẽ tập hợp tất cả các ý kiến đóng góp để nghiên cứu và hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định về Quản lý Kiến trúc đô thị, sau đó Bộ xây dựng kính trình Chính phủ xem xét và cho ý kiến.

Minh Tâm
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)